You are currently viewing [Review Sách] Thư Gửi Mina

THƯ GỬI MINA-Thuận

Với mình, quyển này rất khó review vì nó không phải là 1 câu chuyện xuyên suốt về một đối tượng nào đó. Mà tiểu thuyết gồm 30 lá thư của nhân vật chính là 1 nhà văn gốc Việt Th. sống ở Paris gửi cho người bạn học cũ là Mina-gốc Afghanistan.

30 lá thư viết trong hai tuần, tưởng chừng rời rạc, nhưng hoá ra đều có liên quan là nỗi niềm của nhân vật chính thông qua bà tám một số câu chuyện về mảnh đời di dân lồng trong thư gửi Mina. 30 lá thư giống như cái cây có lỗ trú ẩn, Th chỉ việc trút vào nó các nỗi niềm miên man của cô về cuộc sống tha hương, về các mối quan hệ “nhàm chán-bệnh hoạn-trống rỗng-vô nghĩa-tuyệt vọng” (mượn từ của Thuận).

Văn Thuận đặc nét mỉa mai-hài hước-chua cay của Paris và chỉ có thể là dân ở Hà Nội mới viết ra kiểu như vậy. Đọc những dòng tâm sự tưởng chừng như mỉa mai, mà ẩn sau đó là sự xót thương bất lực – và sự đành chấp nhận cho số phận di dân người Việt.

“Thư Gửi Mina” được bạn đọc yêu quý mang theo trong các hành trình du lịch, công tác. Hình ảnh: “Thư gửi Mina” tại Chiangmai- Thailand

Bối cảnh của 30 lá thư trải dài cả về không gian lẫn thời gian, từ Hà Nội thời bao cấp, tới Sài Gòn hiện đại, từ Paris phố đèn đỏ thời nay lại ngược trở về Nga đầu những năm 90, rồi lang thang Kabul nội chiến vài năm trước, lời tâm sự cứ trào ra qua trang giấy mà hút người đọc không thể ngẩng mặt khỏi sách. Các tin tức thời sự thực tế lồng trong các lá thư, những mảnh tình có kỳ lạ độc đáo, có cả bất ngờ vỡ mộng chèn thêm chua xót dửng dưng, tưởng là phi lý mà rất logic với mình.

Như mối tình của Pema-cô gái Sài Gòn với 1 nhà báo chiến tranh đang làm phóng sự ở Kabul bom đạn. Pema mê đắm nhà báo nhưng ám ảnh với cái chết bất thình lình có thể xảy đến với anh ta, nên nàng đã lao vào làm tình với một chàng trai trẻ kiến trúc sư người Ý ngon nghẻ đẹp như chúa Ghiê-su – “không ăn nổi thịt động vật bởi lúc nào cũng thèm ăn thịt nàng”.

Cảnh hai nhân vật gặp nhau và cuối cùng lao vào nhau rất tình và có phản ứng hoá học mạnh mẽ. Hài hước nhất là đoạn Pema và chàng Ý vừa làm tình vừa cầu nguyện cho Kabul – nơi cả hai chưa từng đặt chân tới, cứ sắp đạt cực khoái là cả hai tách nhau ra người xin thần Phật, người xin Chúa hãy khiến bom ngừng rơi, máu ngừng đổ tại Kabul.

Văn Thuận mỉa mai hài hước không báo trước. Có những lúc người đọc bật cười ở những tình tiết vốn không đáng cười lại thành hài hước bởi sự bất ngờ đến từ câu chữ. Văn Thuận đọc để cảm, để cùng hoà với tâm sự sống động của nhân vật chính, và người đọc thấy y như mình đang là chính nhân vật đó: đi đứng quan sát hít ngửi thở buồn đau xót thương mỉa mai là mình đấy, chứ không phải nhân vật của Thuận nữa. Thuận tài không?

Nhà văn Đoàn Ánh Thuận (Thuận) ngoài cùng bên trái, nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi (áo vàng) và các tác giả, dịch giả tham gia Tủ Sách Văn Học Việt Nam Đương Đại. Ảnh chụp tại gian trưng bày của nhà xuất bản Riveneuve, Triển lãm Sách Paris 2018, ngày 19/03/2018. RFI/Vietnam

Vài lời nói không bằng đọc tác phẩm để cảm cái bầu không khí đặc Pháp đến từ Hà Nội hoà nhập với Sài Gòn lang thang ở Nga rồi có lúc lạc lối ở Kabul, được dẫn dắt bởi mạch văn suy tư, có sự hoài nghi pha trào lộng. Trích một đoạn nho nhỏ dưới đây cũng không đủ tiết lộ bất kỳ điều gì về tiểu thuyết độc đáo này, lời của Pema khi kết thúc mối tình với anh nhà báo thay cho lời kết:

– “Anh ấy bảo ở Hiroshima, sau khi quả bom đó ném xuống, người ta vẫn buộc mỗi ngày phải hít thở, ăn uống, đi đứng, làm việc, suy nghĩ, ngủ, và làm ác mộng. Nhưng trên đời này, ít ai có thể làm tình bên cạnh các hồn ma. Trừ những kẻ thèm khát nhau ghê gớm. Nhưng thay vì tới Hiroshima, anh ấy đã chọn Kabul… Ở Kabul có bao nhiêu kẻ thèm khát nhau ghê gớm, em không biết, nhưng em biết anh ấy nhanh chóng nghiện cảm giác chênh vênh, nghiện sự nguy hiểm. Chiến tranh đã làm hỏng tất cả ngay cả khi người ta vô can.”

 

Mình vốn thích văn Thuận, nên sách của nàng mình đều đọc. Nàng viết chắc tay, vài năm ra 1 tiểu thuyết, quyển nào cũng có sự độc đáo duyên dáng, cứ quyển sau mình lại thấy hay hơn quyển trước. Giờ thì mình đặc biệt thích tiểu thuyết mới nhất này: Thư Gửi Mina.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về tác phẩm này và nhà văn Đoàn Ánh Thuận qua bài phỏng vấn của báo Đại Đoàn Kết online tại đây, News Zing tại đây, và VNExpress tại đây.

*****

Leave a Reply