Hôm nọ lướt newsfeed thấy có bạn nữ viết: “hình như sao thuỷ nghịch hành nên tự dưng bạn quạu người yêu không vì lý do gì”, rồi thấy mấy chị em cũng vào xác nhận rằng vô duyên vô cớ cáu gắt, trầm cảm, bực bội chồng mà ảnh chưa làm gì sai cả…
Mình bỗng nghĩ tới từ Space-Không gian. Khi tìm nhà mới, bạn nói một câu:
Chúng mình phải tìm 1 căn nhà có đủ không gian như 1 phòng khách, 1 bếp, ít nhất 1 phòng ngủ…để giữ sự “Tỉnh táo”, nếu không chúng ta sẽ giết nhau mất.
Cuối cùng chúng mình tìm được 1 townhouse hai tầng 3 ngủ, 1 khách, 1 bếp, có ban công, sân vườn, với giá chỉ mùa Covid mới có. Với không gian rộng cho hai người như thế, mà chúng mình cũng suýt giết nhau mấy lần.
Mình quen 1 cô bạn Hongkong ở khu nhà này, có lần gặp nhau ở bể bơi, cô và anh chồng người Ý nói chuyện về Hongkong, cô nói:
Từ khi chuyển sang nước khác, mình mới biết thế nào là Space. Ở Hongkong mình chả có khái niệm đó. Mọi thứ chật chội, căn hộ bé tí, mình có thói quen nhét đồ vào các loại hộp và để xuống gầm giường hoặc trên nóc tủ, ko có khái niệm trưng bày. Cuộc sống luôn diễn ra ngoài căn hộ, ai cũng nhao ra đường. Sang đây mình vẫn còn thói quen mọi thứ cho vào hộp giấu đâu đó không chiếm không gian chung.
Người Á Đông chúng mình quen sống ở môi trường đông đúc, nhà cửa san sát, như Hà Nội chẳng hạn, chúng ta sống chung trong gia đình nhiều thế hệ, nhiều khi chúng ta sẽ cảm thấy bí bách ngạt thở, dễ sinh cãi vã, hoặc phải nhẫn nhịn dồn nén vào trong.
Không gian hữu hình còn thế, mà không gian vô hình thì còn tinh vi hơn. Tụi mình hay gặp 1 nhóm bạn chung chuyển từ nơi ở cũ tới. Thời gian đầu háo hức, hầu như ngày nào cũng gặp nhau, tối đi bar ngồi tám chuyện, rồi chuyển từ bar nọ tới bar kia, hôm nào cũng lặp lại 1 hành trình như thế, mình tham gia ít hơn bạn trai, có những tối mình bảo thôi anh đi đi, ngày nào cũng gặp ngần đó gương mặt, lặp đi lặp lại ở những nơi đó, em chịu. Bạn trai mình cũng hào hứng một dạo, từ việc đi chơi dài, tới việc chỉ uống 1-2 chai bia rồi về nhà sớm. Bạn bảo: anh cần không gian. Thế là đủ rồi.
Hôm qua đi chơi với 1 cặp bạn, ở 1 quán đơn giản trên đỉnh núi với view khoáng đạt, quán vắng, không gian rộng. Ai cũng thấy thư giãn. Lát sau có 1 bạn khác nhắn tin:
Chúng mày ở đâu, cho tụi tao (toàn đực rựa) tham gia với.
Cậu bạn kia bảo:
Ôi nếu 1 mình nó thì ok, mà nó dẫn 1 nhóm tới thì tao out, tao cần không gian, tao không cần cả nhóm bạn, lại quá nhiều testosterone. Nhiều người lại không thân thiết làm tao mệt mỏi.
Việc tạo không gian rất quan trọng với tụi mình. Như hữu hình là hạn chế mua đồ, hoặc nếu mua thì sẽ cất ở những chỗ nào đó không chiếm không gian chung. Hồi ở chỗ cũ, ban ngày bạn ở cty, chiều tối về nhà. Nhưng ở thành phố mới, tụi mình gần như 24/7 nhìn thấy nhau, càng cần không gian riêng dù nhà có to rộng mênh mông.
Đó là không phải nhìn thấy nhau trong 1 khoảng thời gian. Người ngồi tầng 1, thì người còn lại lên tầng 2. Hoặc 1 người đi chơi chỗ này thì người còn lại đi chỗ khác. Lúc người này làm việc người kia đi bơi. Và nếu bị phải ngồi chung một không gian với nhau trong thời gian dài dài thì im lặng là 1 sự đồng loã, tôn trọng sự tĩnh lặng, ai làm việc người đó, người dùng máy tính người xài di động, người làm việc, người nấu ăn. Im lặng không tạo nhiều hội thoại quấy rối thế giới riêng của nửa kia. Đúng chất hãy để tôi yên. Thỉnh thoảng giải lao thì trao đổi, đôi khi chỉ 1 cái ôm, 1 nụ hôn, hay ngồi cạnh nhau 1 lúc cũng là đủ.
Còn nhớ câu chuyện cười hồi nhỏ đọc là:
Cô vợ phàn nàn:
Hồi xưa anh lãng mạn tình cảm bao nhiêu, lúc anh còn cưa cẩm em, anh nói: Mỗi ngày anh chỉ ước được nhìn thấy em 30 giây là thoả mãn lắm rồi.
Anh chồng:
Em yêu, giờ anh vẫn chỉ mong muốn thế là đủ mãn nguyện rồi.
Chúng ta yêu nhau, nhưng cũng cần tạo khoảng cách, không gian để thấy còn nhớ mong nhau. 1 chị bạn của mình gần 20 năm chung sống với chồng mà anh chị vẫn vui vẻ ríu rít như đôi chim cu. Mình đoán là vì chị hay đi chơi, cuối tuần nào cũng đi và nhiều lần đi với nhóm bạn riêng hay 1 mình. Một năm chỉ đi chơi với chồng có 1 lần vào dịp lễ lớn thôi.
Cô giáo dạy văn mình từng nói với học sinh nữ vào 8/3:
Nếu để khuyên các em điều gì thực tế thì cô có hai lời:
1. Đừng chỉ yêu 1 người và lấy luôn người đó. Vì thời gian sau đó, một trong hai bên sẽ cảm thấy cần truy lĩnh và dẫn tới ngoại tình.
2. Tránh lấy chồng làm cùng nơi. Đi chơi với cty chả khác gì ở nhà. Rất chán khi thấy nhau 24/7.
Ngay ở quan hệ nơi công sở giữa sếp và nhân viên, hay giữa các nhân viên với nhau, cũng cần có khoảng cách theo kiểu này.
Mình còn nhớ sếp cũ nói về quản lý khoảng cách. Người sếp có thể hoà đồng nhưng ko hoà tan, giúp đỡ nhân viên khi cần, nhưng không có nghĩa là quàng vai bá cổ, cứ ngoài giờ thì đi nhâụ với nhân viên. Cái quản lý khoảng cách giúp người sếp có 1 không gian riêng, tạo một khoảng cách nhất định để nhân viên không bước qua chỗ đó, họ hiểu khi họ cần sếp sẵn sàng giúp, nhưng cũng ko tuỳ tiện thân thiện quá mức như bạn bè để nhân viên mất đi sự kính trọng, mất sự uy nghiêm, khó quản lý khi tình cảm bạn bè lớn hơn quan hệ sếp-nhân viên.
Đôi khi chúng ta cáu kỉnh lẫn nhau, hoặc bực bội chả rõ lý do…Hãy thử nghĩ xem mình có cho mình đủ không gian không dù vô hình hay hữu hình? Nhà chật hay rộng, nhiều đồ hay ít đồ, giữa các thành viên trong gia đình vẫn cần có không gian riêng, chỉ để được một mình trong một khoảng thời gian nào đó với chính mình, không phải giao tế, không phải chia sẻ không gian, không phải suy nghĩ… Có thú vui riêng, hoặc ra ngoài, đi chơi, xem phim, du lịch…một mình hoặc với nhóm bạn chứ không phải đối tượng thân thiết gặp hằng ngày. Tái tạo không gian, giúp bạn có năng lượng tươi mới và trí óc được rỗng rang, để khi quay lại ta sẵn sàng đón nhận một cách vô thức những nguồn năng lượng đến từ không gian, người thân xung quanh.
Trong năm đầu Covid tỷ lệ ly hôn tăng vọt vì các cặp vợ chồng phải ở với nhau 24/7 trong cùng 1 căn nhà. Chúng ta quen với thiết kế để xa nhau rồi cuối ngày gặp lại thấy ok. Nhưng covid đã thay đổi mọi thứ. Lúc này chúng ta phải học cách chung sống với nhau toàn thời gian để không bỏ nhau, giết nhau.
Nói cho cùng, tình yêu sét đánh, hay tình yêu không thành kiểu Romeo và Juliet, ngay cả yêu xa là quá dễ để rung động, để fall in love, để cảm thấy nửa kia quý báu. Nhưng Tình yêu dũng cảm nhất là thứ tình khi hai bên đã trải qua giai đoạn mặn nồng ban đầu chuyển sang những thứ vặt vãnh cơm áo gạo tiền cùng toàn thời gian bên nhau mà vẫn tiếp tục chung vui được lâu dài thì đó mới thực sự bền chặt.
Nữ văn sỹ Trương Ái Linh từng nói một câu chí lý:
Tình cảm vốn mong manh là thế. Vượt qua được bão táp mưa sa, nhưng lại không vượt qua được tháng ngày êm ả.
Chúc các bạn tuần mới nhiều không gian cho riêng mình. ./.
The End.