You are currently viewing [Du Lịch Alberobello] Lạc bước xứ sở cổ tích ma thuật tại gót giày nước Ý

Bản đồ nước Ý nhìn giống một chiếc ủng cao gót, du khách đã biết những thành phố nổi tiếng sầm uất nhộn nhịp ở đầu và thân ủng như Milan, Roma, Florence….và hôm nay mời bạn cùng đi xuống gót ủng để ngắm một ngôi làng có kiến trúc kỳ lạ như bước ra từ thế giới cổ tích ma thuật. Đó là Alberobello.

Ngôi làng độc đáo với kiến trúc nhà chóp

Albero nghĩa là rừng, cây; Bello nghĩa là đẹp. Alberobello nghĩa là rừng cây đẹp, vì xưa kia nơi này được bao phủ bởi rừng sồi cổ. Từ nửa cuối thế kỷ 16, ngôi làng Alberobello thuộc tỉnh Bari là vùng đất phong hầu dưới quyền kiểm soát của gia tộc lãnh chúa phong kiến Acquaviva. Bá tước Conversano của gia tộc này đã đưa những người nông dân đến ngọn đồi phủ đầy cây sồi cổ để khai phá đất cho việc trồng trọt.

Alberobello ngày và đêm

Sang thế kỷ 17, người kế vị ông là bá tước Giangirolamo II dựng một quán trọ, nhà thờ và bắt đầu quá trình đô thị hoá khu rừng. Nhằm lách luật thuế, bá tước cho phép các tá điền dựng các nhà cư trú khô ráo bằng đá, không trét vôi vữa, để có thể tháo gỡ nhanh khi có thanh tra, vì theo chỉ dụ của nhà vua thì nhà ở cố định phải nộp thuế. Những ngôi nhà đặc biệt này được gọi là Trullo.

Năm 1797, một nhóm người can đảm ở Alberobello, chán ngấy tình trạng bấp bênh này, đã tới Taranto để xin vua Ferdinand IV giúp đỡ. Ngày 27.5.1797, ông đã truyền sắc lệnh miễn thuế cho làng Alberobello, và nâng cấp ngôi làng nhỏ lên thành phố hoàng gia, giải phóng nó khỏi sự nô dịch phong kiến của các bá tước. Từ đó người dân yên tâm sinh sống và bảo tồn các trullo độc đáo tới ngày nay.

Đặc điểm ngôi nhà trullo:

Nhà lợp bằng bằng những tấm đá vôi dẹt, chồng lên nhau, không cần trát vữa, và người nông dân chọn mái vòm vì là cấu hình đơn giản nhất. Trullo được quét vôi trắng, trên mái hình chóp của trullo thường có một đỉnh cao bằng đá sa thạch được làm thủ công với  những kiểu dáng: đĩa, quả bóng, hình nón, bát, khối đa diện… đây được cho là tượng trưng chữ ký của người thợ xây nhà. Một số chóp trullo bị cắt cụt phần đỉnh, thành một lỗ tròn ở trên được che bởi một phiến đá tròn có thể di chuyển được. Lối vào lỗ bằng một cầu thang bên ngoài được xây dựng trên mái nhà.

Mái đá vôi xây chồng lên nhau và không trát vữa
Các đỉnh chóp độc đáo tượng trưng cho chữ ký của người thợ xây nhà

Những mái nhà hình nón đặc biệt được xây dựng thành hai lớp: Lớp trong bằng đá vôi, được bao bọc bởi đá đóng và lớp ngoài là các tấm đá vôi hơi nghiêng ra bên ngoài, đảm bảo nước không lọt vào được. Đá mái có thể được lấy đi mà không ảnh hưởng đến sự ổn định của phần còn lại của tòa nhà.

Cảnh làng Alberobello

Trullo thường được xây dựng như những nơi trú ẩn và nhà kho tạm thời trên đồng ruộng hoặc là nơi ở lâu dài của các chủ sở hữu, hoặc nông dân. Một trullo nhiều phòng có nhiều hình nón, mỗi hình nón đại diện cho một phòng riêng biệt, với các không gian sinh hoạt trong các hốc tường hình vòm. Trẻ em sẽ ngủ trong những hốc tường được treo rèm để ngăn cách với căn phòng trung tâm.

Bên trong trullo

Những bức tường đá dày và mái vòm của trullo vốn mát mẻ dễ chịu vào mùa hè, có xu hướng trở nên lạnh lẽo khó chịu vào mùa đông, khó toả nhiệt, làm ngưng tụ hơi ẩm do nấu nướng và hít thở khiến bạn khó cảm thấy ấm áp ngay cả khi ngồi trước ngọn lửa. Các cư dân chỉ cần mở cửa vào ban ngày để giữ cho bên trong khô ráo, và sống ở ngoài trời nhiều hơn ở trong. Các trullo được sử dụng làm nơi ở đều có lò sưởi mở với ống khói xây bằng đá nhô cao lên mái nhà.

Những ngôi nhà sử dụng với mục đích ở đều có ống khói nhô lên

Một điểm thú vị của trullo là mái nhà thường được vẽ các biểu tượng màu trắng mang ý nghĩa tín ngưỡng của người dân địa phương: sự kết hợp của các biểu tượng Cơ đốc giáo, ngoại giáo, ma thuật. Đều phản ánh mong muốn được bảo vệ người dân. Các biểu tượng hiện có thể nhìn thấy như: cây thánh giá, trái tim bị đâm xuyên qua, lưỡi liềm, vật chủ với các tia toả ra từ nó, cây, chim bồ câu tượng trưng cho Chúa, Thánh Thần.

Các biểu tượng tín ngưỡng độc đáo trên mái nhà

Ngôi làng xinh xắn có khá nhiều bảo tàng như bảo tàng di sản hay các bảo tàng về thủ công mỹ nghệ, dầu ô liu đều nằm trong các ngôi nhà cổ của thị trấn.

Trullo Sovrano: Bảo tàng di sản nơi trưng bày đồ nội thất và đồ tạo tác nguyên bản từ thế kỷ 18 của trullo

Hiện nay ngôi làng có khoảng 1500 nhà trullo, gần 11.000 dân. Thời hoàng kim của các trullo là thế kỷ 19, khi vào những thập kỷ cuối cùng ngôi làng phát triển của nghề trồng nho. Năm 1996, UNESCO đã đưa Alberobello vào danh sách Di sản văn hóa thế giới. Bạn hãy dành thời gian tản bộ một ngày để thăm thú hết được các nét đẹp độc đáo của ngôi làng cổ tích này.

Nhà thờ phong cách trullo

Alberobello thuộc khí hậu Địa Trung Hải nên quanh năm ôn hoà, mùa đông không quá lạnh và mùa hè không quá nắng, du khách có thể tới thăm thú ngôi làng xinh đẹp này quanh năm. Các bạn có thể thuê nhà trullo cổ trong làng với mức giá đắt đỏ. Nếu bạn có điều kiện tài chính hãy trải nghiệm nhất dạ đế vương ở trullo độc đáo tại đây.

Ở trục đường chính Largo Martellotta là nhiều nhà hàng, quán bar. Bạn có thể tìm ăn các món Ý truyền thống với chất lượng tuyệt vời xung quanh. Đừng quên thưởng thức rượu vang Primitivo nồng nàn được sản xuất từ nho trồng nơi đây và món bánh Focaccia tại nhà hàng La Lira Focacceria (địa chỉ: Largo Martellotta 67, 70011 Alberobello). Đây là món bánh trứ danh của người Ý, có mùi thơm dịu nhẹ của lá hương thảo kết hợp với vừng, cà chua tươi, rau củ và thịt nguội, ruột bánh mềm xốp thơm ngậy. Người Ý thưởng thức món này cùng chút rượu khai vị.

Hình ảnh quán La Lira Focacceria copy từ Fb của quán

Từ các thành phố khác của Ý bạn có thể bay, hoặc đi tàu tới thành phố Bari, từ Bari đi tàu địa phương khoảng 1h30’ là tới Alberobello, giá vé 1 chiều là 4.5E, mua luôn hai chiều là 9.8E.

Ga tàu nhỏ bé giản dị tưởng chừng đang ở 1 làng quê nào đó của Việt Nam 😀

Các bạn hãy dành thời gian cho ngôi làng cổ tích độc lạ này ít nhất một lần trong đời, sự bình yên thư thái nơi đây sẽ khiến lữ khách không khỏi bâng khuâng: Bồng Lai là đây, cần đi đâu nữa.

Người lữ khách bị ngôi làng cổ tích bỏ bùa…
Hoa khắp nơi
Những cánh cửa chất lừ
Cửa nào cũng trồng hoa tươi, làm khung cảnh mềm mại
Những người đàn ông sống trong làng, đi giũ thảm nhà mà mặc rất chỉn chu nha.
Không thể ngừng chụp hoa lá quanh nhà 🙂

(Một số thông tin trong bài tham khảo từ nguồn Wiki)

Bài đã đăng rút gọn ở báo VOV, link bài tại Đây.

#Alberobello
#Trullo
#Italy
#Dulịchtựtúc_Italy
#Italian_cuisine
#Focaccia
#Bari
#Kiếntrúcđộcđáocổtíchmathuật
#Tínngưỡng
#Biểutượng
#LòLuyệnYêuTinh

—— The End—–

PS ngoại truyện:

1. Tham khảo thời gian chạy của tàu địa phương khứ hồi từ Bari đi Alberobello, lưu ý là cuối tuần ít chuyến hơn:http://www.fseonline.it/

2. Tham khảo vé tàu và mua vé từ các nơi khác tới Bari tại đây: http://www.trenitalia.com/
Đôi khi mua sớm giá rẻ phết.

3. Về việc soát vé tự động qua máy:
Ở Italy thì đi bus, tàu thì hành khách phải tự động cầm vé cho máy soát vé nó soát và nó dập ngày đi hoặc dập lỗ cho vé. Nếu mua qua mạng thì chụp ảnh lưu di động show cho người soát vé hoặc cổ lỗ sĩ như mình thì in tờ A4 e-ticket cầm lên tàu để họ soát vé là được

Còn nếu mua ở ga thì hay có vé cứng, thì mình sẽ phải tự động gí nó vào 1 cái máy màu xanh lơ nho nhỏ nhìn như hòm thư, cho nó kêu rẹt một cái.

Máy này treo khắp nơi, thường ở các đường hầm ra tàu bao giờ cũng bố trí 1 cái đầu đường hầm và một cái ở sân ga đợi tàu. Khi chưa cho nó vào máy thì vé vẫn còn giá trị sử dụng tới mấy tháng miễn là bạn chưa lên tàu, lên tàu mà chưa soát vé qua cái máy thì người soát vé không khéo sẽ phạt, đấy là mình nghe giang hồ nói vậy.

(Có lần mình đã mua vé 19E nhưng bị lỡ 1 chuyến tàu, hôm đó thế nào mà quên chưa cho vào máy soát vé, thế là vào ga check chuyến sau, và lúc yên vị đợi tàu đúng chỗ rồi thì mới cho máy soát vé . Trong cái rủi cũng có cái may, nhỉ!)

4. Tàu từ Bari đi Alberobello có 1 toa, nhưng sạch sẽ rộng rãi thoải mái. Khoảng cách 64 km, ga nào cũng dừng, kẽo kẹt tiếng rưỡi tới Alberobello.

5. Nhớ báo cho chủ nhà ngày giờ tới, vì thường chủ nhà sẽ ra tận ga đón. Mình du lịch không xài điện thoại thông minh nên không biết là chủ nhà email trước đó 1 ngày hỏi giờ tàu tới và ra ga đón. Báo hại mình phải hỏi đường đến khách sạn từ người dân địa phương không ai biết tiếng Anh. Họ huy động hàng xóm họ hàng giúp, cuối cùng cũng tìm ra người nói được tiếng Anh để chỉ đường hihi.

5. An toàn: Hiện tại Alberobello vẫn rất thanh bình, yên tĩnh và an toàn. Hầu như ko thấy bóng dáng người bán hàng rong hoặc bán các trò phỉnh thiên hạ như các nơi đông du lịch khác. Tương lai chắc sẽ có. Người dân hầu như ai cũng biết nhau, thị trấn bé xíu, gặp nhau ai cũng chào.

Mình toàn được chào, nên mình đi đâu cũng nói hai câu: Buongiorno (chào buổi sáng) và Buona sera (chào buổi tối) với mọi người lại còn tặng họ nụ cười rõ xinh há há.

Có anh bạn Ý dân gốc miền nam gần Bari, hỏi mình:
– Tại sao đang tiện lợi ở Rome mà mày lại mò xuống hẳn vùng miền nam Ý nguy hiểm hẻo lánh làm gì?
– Chính vì đẹp và vì nó còn hẻo lánh ít người du lịch nên phải đi thôi. Hơn nữa mềnh thích mạo hiểm.
– Không an toàn đâu, miền nam Ý nguy hiểm lắm, nhất là con gái lại đi 1 mình. Mày nhớ ko được tin ai trên đường phố, từ 9h tối là phải ở trong khách sạn ko được bước ra ngoài. Tao là dân miền Nam, tao biết.
– Rốt cục là người miền Nam Ý sẽ cướp giết hiếp đờn bà đi một mình?
– Không hẳn thế, mà có thể là móc túi, đi theo, gây phiền phức.
– Cái đó thì đâu chả có. Mà mày thoát li khỏi miền Nam bao lâu rồi?
– 20 năm
– Haha, thế thì thông tin của mày từ thời đó tới giờ đã khác rồi. Mấy ngày nữa ko thấy báo Italy đăng tin vụ cướp giết hiếp nào ở miền Nam thì nghĩa là tao an toàn nha. Mà mày giới thiệu tao một mafia dưới đó đi. Tao khoái lắm, lần sau tao còn định đi Sicily nữa đấy.Anh bạn chỉ biết cười khổ kiểu phụ nữ VN thật dại.

Khi tới Alberobello thì hồi hộp phết, thế mà ga tàu vắng hoe, bình yên, ra khỏi sân ga có đúng hai cái taxi, anh lái taxi cũng chả buồn chèo kéo mình đi xe ảnh chở về ks. Người dân giúp đỡ nhiệt tình. Đi đâu cũng thấy những người già ngồi sưởi nắng, các em bé chạy loăng quăng. Không bóng dáng của mafia đầu gấu nào cả. Đi chơi tối ngắm Alberobello trong đêm lúc 23h, đường vắng hoe đoạn từ sau nhà thờ cũng chả thấy ai xông ra. Thất vọng phết.

Thôi hết rồi. Enjoy đọc được đến đây là mình cảm phục lắm!

Leave a Reply