You are currently viewing [Review Sách]: Dám Hạnh Phúc

Năm ngoái mình có nói về quyển Dám Bị Ghét, tuyệt diệu thay năm nay có Dám Hạnh Phúc được coi như phần 2 của Dám Bị Ghét. Sau khi thỉnh giáo Triết gia, có những tranh luận, phản biện, giải thích, chàng thanh niên trong Dám Bị Ghét đã dũng cảm từ bỏ công việc thủ thư, lựa chọn một con đường mới là làm giáo viên.

Nhưng hóa ra áp dụng những điều học được từ tâm lý học Adler thông qua phần chia sẻ của Triết gia khiến chàng bị giập tơi bời tại trường học, như việc áp dụng “Không khen ngợi và không mắng mỏ” biến lớp thành một tập thể hỗn loạn như nào và chàng ước ao được quay về thời sử dụng đòn roi, mắng chửi. Sau ba năm với đầy hoài nghi, phản đối, giận dữ vì đã quá tin tưởng vào Tâm lý học Adler, để liên tiếp thất bại trong giảng dạy học đường, chàng thanh niên quay lại tìm triết gia, hòng lật đổ những điều ông từng chia sẻ.

Dam Hanh Phuc

Cả quyển sách là màn tranh luận trao đổi phản biện cuốn hút giữa Chàng thanh niên và triết gia, từ vấn đề quan hệ thầy trò, cách hướng dẫn học sinh, các mối quan hệ, nghề nghiệp, cho tới khái niệm cuối cùng về tình yêu, làm thế nào để hạnh phúc, được lồng vào những ý tưởng, khái niệm “trái khoáy” thú vị đôi lúc hại não so với những thường thức ta từng biết. Những lý lẽ trừu tượng của tâm lý học được trình bày giản dị, khúc chiết, cho dù có những đoạn phải đọc đi đọc lại.

Trích một phần:

Tâm lý học Adler hiện đại đã chia diễn biến tâm lý đằng sau những hành động quậy phá của con người làm năm giai đoạn

  1. mong muốn được tán thưởng
  2. thu hút sự chú ý
  3. tranh giành quyền lực
  4. trả đũa
  5. chứng tỏ sự vô dụng

Đoạn nói về 5 diễn biến trên rất thú vị, thực ra nhiều phim về bọn trẻ cũng có những lồng ghép các giai đoạn vào, nhưng đọc trong quyển này là lời giải thích rất cặn kẽ.

VD về giai đoạn 1: Mong muốn được tán thưởng

Trẻ tỏ ra là đứa trẻ ngoan trước mặt bố mẹ thầy cô, nhân viên thì quyết tâm phục tùng cấp trên để được khen ngợi. Nếu trẻ giỏi xuất sắc, dốc sức vào học hành, nhân viên dốc sức vào công việc, nên mọi người cũng muốn khen ngợi. Nhưng có một cái bẫy lớn ở đây:

Xét cho cùng mục đích của họ là “được khen“, hay nói cách khác là “giành lấy vị trí độc quyền trong tập thể“.

Nếu không được khen thì trở nên bất mãn. Vậy là họ không phải đang làm “việc tốt” mà làm “việc được khen”. Nếu ko được khen, được chú ý, thì những nỗ lực này chẳng có nghĩa lý gì. Họ sẽ học dần lối sống “nếu ko có người khen sẽ không hành động đúng đắn” và “nếu ko có người phạt sẽ có những hành động không phù hợp”.

Vì vậy phải dạy trẻ rằng dù không “đặc biệt” thì cũng có giá trị, dạy qua cách thể hiện “sự tôn trọng”. Nghĩa là không chỉ chú ý khi ngươi đó làm việc tốt, mà chú ý đến cả những hành động nhỏ hàng ngày, và chú ý tới điều người đó quan tâm, tỏ ra thấu cảm.

Mục đích của giáo dục là giúp trẻ Tự lập. Xuất phát điểm của nó là Tôn trọng. Điều này đúng với mối quan hệ giữa người với người dù là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hay quan hệ trong cty. Trước tiên CHA MẸ PHẢI TÔN TRỌNG CON CÁI, CẤP TRÊN PHẢI TÔN TRỌNG CẤP DƯỚI. Xét trên phương diện trách nhiệm, thì những người đứng ở “vị trí dạy dỗ” tôn trọng những người ở “vị trí được dạy dỗ”. Thiếu sự tôn trọng sẽ không hình thành được mối quan hệ tốt và sẽ ko truyền đạt được những điều mình muốn.

Tôn trọng là khả năng nhìn nhận người đó như chính họ, nhận biết người đó là tồn tại độc lập và độc nhất vô nhị, là quan tâm để người đó có thể trưởng thành và phát triển vì chính bản thân họ: không định làm gì để thay đổi họ, công nhận người đó như họ vốn vậy chứ ko đặt ra bất kì điều kiện nào. Không có sự tôn trọng nào vượt qua được điều này.

Trẻ con không phải là thiên thần, mà là con người. Chính vì trẻ là một con người nên phải tôn trọng ở mức độ cao nhất. Tiếp xúc với trẻ như một tồn tại bình đẳng, không coi thường, không tôn sùng, cũng không quỵ lụy. Đồng thời thể hiện sự thấu cảm với những điều trẻ hứng thú quan tâm.

Lớp học là quốc gia dân chủ: Người nắm chủ quyền của quốc gia gọi là lớp học không phải là giáo viên, mà là học sinh. Và quy định của lớp học phải dựa trên sự thống nhất của các học sinh.

Dam Hanh Phuc

Quá nhiều điều hay ho thú vị trong quyển này, quan điểm từ cả trăm năm trước mà tới giờ vẫn đang được tranh luận mổ xẻ, tranh cãi. Các bạn đọc sẽ còn gặp những khái niệm như phủ nhận lịch sử, quá khứ, chỉ có hiện tại là lịch sử chính xác nhất, hay tụi trẻ con điều khiển người lớn bằng sự yếu ớt như nào, khái niệm tình yêu khác biệt ra sao…

—“Thế giới đơn giản, cuộc đời cũng vậy! Tiếp tục đơn giản lại rất khó”– (Câu của triết gia)

Nhưng vượt qua cái khó, bạn sẽ hạnh phúc trong sự đơn giản không ngờ.

Tin rằng bạn đọc sẽ yêu thích quyển sách này, đặc biệt là những kỹ sư tâm hồn. 🙂

Nguồn ảnh: copy trên mạng.

Leave a Reply