-Học sử hay bất cứ bộ môn nào đều là một quá trình theo đuổi niềm vui-
Νếu bạn muốn đọc cái gì khiến mình có vẻ deep, mà dễ đọc, đã thế mọi khái niệm phức tạp, mọi sự kiện khó hiểu lại được diễn giải bằng một giọng văn trong sáng, giản dị, trang nhã, thêm cả những “cảm xúc cá nhân” khi nồng nhiệt khi bi thương khi hài hước….ngay cả 1 trẻ nhỏ cũng hoàn toàn có thể đọc hiểu và thích thú vì sách, giấy, tranh ảnh minh hoạ đều đẹp thì xin mời rinh ngay “LƯỢC SỬ THẾ GIỚI”.
E.H.Gombrich – Tác giả viết quyển này cũng bởi đã chán ngấy giọng văn hàn lâm hoa mỹ. Ông nói việc học về lịch sử, hay bất cứ bộ môn nào đều là một quá trình theo đuổi niềm vui:
– Tôi muốn độc giả của tôi theo đuổi câu chuyện mà không phải ghi chép hay vắt óc ghi nhớ các tên tuổi và ngày tháng. Thực tế, tôi xin hứa rằng tôi sẽ không bao giờ ra bài thi để kiểm tra những gì mà họ đã đọc”.
Đọc LSTG của ông – một câu chuyện kể theo thứ tự thời gian nhưng không làm ta ngộp bởi niên đại, niên hiệu, sự kiện chi chít, ông chỉ đưa những sự kiện điển hình của các thời đại vào câu chuyện của mình. Và ta lại còn biết thêm “hậu trường” của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.
Kiểu như:
♠ Anh Columbus (hoá ra là dân Ý) vô tình tìm ra Tây Ấn (châu Mỹ) là người tham vọng và tham lam kiêu ngạo như nào.
♠ AnhNapoleon Bonaparte lùn xỉn nhà quê nghèo khó (cũng từng là dân Ý cho tới ngày đảo quê anh bị bán cho Pháp). Anh lừng danh, anh giỏi thì ai cũng biết nhưng hoá ra anh còn chuyên bỏ lại lính lén trốn đi khi bại trận. À mà đọc đâu đó rằng càng về già anh càng ái, càng nữ tính hơn.
♠ Hoàng đế Tây Ban Nha Charles V chán ngán đế quốc mênh mông mặt trời không bao giờ lặn của mình, cả đời đánh nhau liên miên, làm vua chán mớ đời, quyền nhiều để làm gì bèn cho anh em họ hàng lên làm vua các nước. Còn mình bỏ ngai vàng làm một lão già ể oải chuyên điều chỉnh sửa chữa đồng hồ, chết trong đơn độc và cay đắng, chỉ biết lầm bầm:
“Làm sao ta dám tin rằng mình có thể thống nhất tất cả dân tộc trong đế quốc của mình trong khi không thể làm cho mấy chiếc đồng hồ đổ chuông cùng lúc, dù chỉ một lần?”
♠ Gã vua nước Anh Henry VIII cả thèm chóng chán, cứ muốn lấy vợ sau thì chém đầu luôn vợ trước, có người vừa lấy đã chán luôn, may quá lấy tới đời vợ sáu chưa kịp chém thì vua qua đời.
♠ Vua Louis 14 của Pháp mới cầu kỳ diêm dúa, ăn chơi xa hoa lắm nghi thức, nhìn ảnh anh Lu thời nay chắc chắn ai cũng nghĩ ảnh là giới tính lưỡng lự. Các vua hoàng đế khác bắt chước anh về những nghi lễ xa hoa cầu kỳ đấy nhưng được cái hình mà không có tướng. Nhưng anh thực sự là 1 nhà trị quốc giỏi, và biết tận hưởng cuộc chơi, đúng kiểu đi đu đưa đi khi chơi hết mình khi về hết buồn. Hãy đọc lá thư anh viết cho cháu trai sau làm vua Tây Ban Nha thể hiện cái tầm của nhà lãnh đạo như nào:
– “Đừng bao giờ thiên vị kẻ nịnh hót cháu nhất mà giữ chặt bên cháu những người dám chịu rủi ro làm cháu phật lòng vì lợi ích của chính cháu. Không bao giờ lơ là công việc vì thú vui, tổ chức cuộc sống của cháu sao cho luôn có thời gian để thư giãn và giải trí. Quan tâm hết mức tới việc trị quốc. Thu thập càng nhiều thông tin càng tốt trước khi đưa ra một quyết định. Cố gắng bằng mọi cách để quen biết được những nhân vật lỗi lạc, để cháu có thể kêu gọi sự giúp đỡ của họ khi cần. Hãy lịch sự với tất cả mọi người, không bao giờ làm tổn thương bất kỳ ai”.
⇒ Một sự tổng hợp đáng nể của tính kiêu mạn, sức cuốn hút, sự hoang đàng, ý thức phẩm giá, sự thờ ơ, tính phù phiếm và sự chăm chỉ làm việc phi thường. (nhận xét của tác giả, cực chí lý nhỉ!).
♠ Hay từ xa xôi phương Đông vua Càn Long trả lời thư gửi tới vua nước Anh vào năm 1793 quả là đúng là giọng điệu và khí phách của thiên tử lẫy lừng Trung Hoa, vừa oai nghiêm, vừa kiêu mạn coi Trung Hoa là trung tâm đất trời, từ chối bọn quỷ da trắng không đầu gối, man di lông lá xồm xoàm vào giao thương. Và vừa thể hiện khí chất con nhà dòng dõi đại aka phim ngôn tình. Dân Tàu đọc chắc tha hồ vênh: Đại-ka Càn Long ơi giờ thì chúng em đã càn quét thế giới bằng made in China, kể cả virus. Bức thư thực sự đáng nể, các bạn hãy tìm đọc để biết bức thư dài 1 trang giấy đó viết gì.
Mà quả là đúng, dù châu Âu hồi đó đã văn minh rực rỡ giàu có, nhưng cách hành xử của họ tại những nước phương Đông như Nhật và Trung Hoa, hay như ở tân thuộc địa thuộc châu Mỹ, Ấn Độ đều “kém sang”, và thậm chí rất man rợ tàn ác. Các nước chịu nhún mình nhưng anh Nhật Bản bé nhỏ thông minh – người học trò giỏi nhất mọi thời đại của Châu Âu và nhất trong lịch sử thế giới đã tương kế tựu kế bảo vệ nước Nhật cả một thời gian dài khỏi quỷ tây lông từ thế kỷ 19 đến đầu 20 như nào:
– “Giờ đây chúng tôi đã biết tất cả những gì các ngài biết. Giờ đây tàu hơi nước của chúng tôi sẽ đi ra ngoài tìm giao dịch thương mại và chinh phục, các khẩu đại bác của chúng tôi sẽ bắn vào những thành phố thanh bình nếu bất cứ ai trong đó dám làm hại người dân Nhật.”
Các chương về tôn giáo, chiến tranh tôn giáo đều được mổ xẻ bằng những nét chấm phá điển hình mà vẫn giúp người đọc nắm được tinh thần cơ bản. Trong suốt chiều dài lịch sử, cũng đều có những tham vọng, của những người phụng sự Chúa, nhân danh Chúa để làm những điều mà Thánh Kinh không răn dạy, hoặc cố tình bẻ cong ý.
Tám hơi nhiều rồi, nhưng chỉ là 1 phần rất nhỏ của quyển sử hay ho này. Chỉ 418 trang với 40 chương, cứ như tiểu thuyết chương hồi, hết chương nọ lại muốn xọ sang chương kia luôn xem như nào.
Hồi xưa tôi thích đọc Lịch Sử Thế Giới của Nguyễn Hiến Lê (1956). Ông Lê viết dễ hiểu văn phong trang nhã, khoáng đạt, cũng theo lối kể chuyện, chịu ảnh hưởng người viết sử Châu Âu, chỉ có là nhiều năm tháng niên đại niên hiệu vì ông vốn viết để làm sách giáo khoa. Với Lịch Sử Thế Giới của Ông Lê và Lược Sử Thế Giới của E.H.Gombrich ta có đông tây y kết hợp thầy cúng quá chuẩn để lưu giữ, tra cứu.
Đọc tới cuối sách E.H.Gombrich nói:
– Một điều mà tôi đã học được là không tin vào tất cả những gì đọc trong báo chí.
Lịch sử thế giới tới thế kỷ 20 là một chuỗi các cuộc chiến tranh thôn tính, sáp nhập, tranh giành thuộc địa, bởi tham vọng của con người được kể bằng những nét phác hoạ sắc nét sống động trong quyển sử thú vị này. Về cơ bản tới nay con người đã chấm dứt được nạn đói, chiến tranh hầu như không còn, sức khoẻ con người được cải thiện đáng kể nhờ thành tựu khoa học và y học.
Lịch sử thế giới từ thế kỷ 21 trở đi thêm ngàn năm nữa sẽ là gì? Các bạn muốn chúng ta đang là người sống trong dòng chảy tiếp theo này sẽ đựợc viết như nào ở nghìn năm sau?
Thôi thì hãy sống sao cho xứng với niềm tin yêu và thử thách của Lịch Sử nha. Nếu không thì chịu khó massage sách như tui nè:
#Lượcsửthếgiới
#ALittleHistoryOfTheWorld
#E_H_Gombrich
#Lòluyệnyêutinh