You are currently viewing [Review Sách] Ca Tụng Bóng Tối

Thỉnh thoảng khi nằm bên nhau, tôi thích ngắm gương mặt anh trong cảnh tranh tối tranh sáng, sống mũi cao chia nửa gương mặt, một bên chìm vào bóng tối, bên kia hiện ra hư ảo dưới ánh đèn vàng yếu tạo nên khối lập thể, đường nét như tạc. Đôi lúc tôi lượn tay quanh đường nét đó và cảm ơn bóng tối đã mang lại các nét khắc tạc đẹp đẽ nhường này thứ mà ban ngày đôi khi tôi chẳng nhận ra.

Review Ca Tụng Bóng Tối

….Điều kỳ diệu của bóng tối được tác giả Junichiro Tanizaki miêu tả tinh tế trong “Ca Tụng Bóng Tối” viết vào năm 1933 khi giao thoa văn hoá Nhật Bản và Phương Tây đang diễn ra mạnh mẽ, ánh sáng rực rỡ lộng lẫy của phương Tây liệu có làm biến đổi sự u nhã thâm trầm của Nhật Bản? Junichiro đã có những dòng văn ý nhị mang những nỗi niềm xưa cũ của văn hoá Nhật trong “Ca Tụng Bóng Tối”, sách mỏng tới mức đọc xong vẫn thòm thèm khiến mình muốn đọc lại ngay sau khi vừa hết.

“Mở nắp của bát súp bằng sứ ta nhìn thấy súp, tất cả mọi sắc thái nội dung và màu sắc đều lộ ra. Với đồ sơn mài, vẻ đẹp tỏa ra trong giây phút mở nắp và nâng bát súp lên miệng, thực khách nhìn vào lớp chất lỏng tĩnh lặng bên trong lòng sâu tối của bát súp, màu của súp gần như là hòa vào màu của lòng bát. Thực khách không thể nhận ra được cái gì ở bên trong bóng tối nhưng lòng bàn tay có thể cảm nhận được chuyển động nhẹ nhàng của chất lỏng, hơi nước tỏa ra từ những giọt nước đọng lại quanh thành bát, và mùi hương phả quyện mang đến cảm giác mong đợi một cách ý nhị. Thật là một thế giới khác biệt giữa khoảnh khắc này và khoảnh khắc một bát súp được đem đến trong một cái bát cạn đáy, nhợt nhạt theo kiểu Tây phương. Một khoảnh khắc bí ẩn, hoặc có thể gọi là, một khoảnh khắc xuất thần.”

Bạn làm nail cho lúc mình đọc Ca Tụng Bóng Tối
Sáng bảnh được bạn làm nail lúc đọc Ca Tụng Bóng Tối trong phòng ks tại Johor Bahru năm 2015

Hay đoạn miêu tả nhà vệ sinh cũ kỹ giữa khu rừng hương hoa lá cây và rêu là một tuyệt tác về hình ảnh, ánh sáng và cảm xúc. Đọc đi đọc lại đoạn này mà lần nào cũng mang lại một “niềm khoái cảm sinh lý” tột bậc. Mình sẽ không trích đoạn về khoái cảm sinh lý này ở đây, để các bạn tự khám phá niềm bí ẩn đó ;).

Lúc đang đọc “Ca Tụng Bóng Tối” mình đi ngang qua một nhà hàng Nhật trong tòa nhà thương mại sầm uất của thành phố Johor Bahru – Malaysia, bèn dừng lại chiêm nghiệm sự dùng bóng tối để trang trí của người Nhật. Khác hẳn với các nhà hàng phồn hoa náo nhiệt xung quanh, nhà hàng Nhật ẩn sâu vào trong, con đường dẫn vào chỗ ngồi là một hàng tre trúc xanh mướt, đi trên con đường rải sỏi đen, ánh sáng mờ, ánh đèn ảo, bóng tối xen kẽ với thứ ánh sáng yếu đó, cùng với trang trí đơn sắc tạo nên sự bí ẩn khiêm nhường tĩnh tại, khiến lữ khách mỏi mệt muốn đi vào ẩn trú khỏi chốn trần gian ồn ào cách đó vài bước chân.

Người dịch là một kiến trúc sư, dịch nuột, văn hay, tiếng Việt quá giỏi. Dường như phụ nữ học và làm về kiến trúc đều giỏi văn thì phải.

Mình đọc lần hai cuốn này khi ngồi ở sân bay Tân Sơn Nhất chiều nay. Ánh đèn neon khắp sân bay, chiếu sáng các khe hở, mọi hỉ nộ ái ố của hành khách ồn ào phơi bầy dưới thứ ánh sáng bóc trần này.

Ở sân bay Tân Sơn Nhất
Ca Tụng Bóng Tối ở sân bay Tân Sơn Nhất sáng trưng


Thế thôi lại cắm đầu vào đọc, chìm vào trong khoái cảm khi hình dung ta không ngồi đợi máy bay delay của Vietjet mà đang ngồi trong một khu nhà vệ sinh cũ kỹ của một cách rừng hương hoa lá cây và rêu phong, ngắm đăm đăm ra cây cối xanh rì, lắng nghe tiếng mưa rơi nhè nhẹ, hay tiếng côn trùng rả rích.

Tự sướng lên đỉnh chắc cũng chỉ đến thế mà thôi, nhỉ? 

Nếu các bạn muốn sống chậm hơn, cảm nhận sự tinh tế của vạn vật quanh ta, kết nối với bóng tối sau khi đã thừa ánh sáng, hãy đọc “Ca Tụng Bóng Tối” biết đâu bạn sẽ thấy một điều gì đó khác, với mình là giây phút tĩnh tại quý hiếm của hiện tại giữa cuộc đời đảo điên vội vã.

PS: Đây là một tác giả yêu thích của mình, các bạn có thể tìm đọc hai tiểu thuyết nổi bật khác là “Chữ Vạn” và “Hai Cuốn Nhật Ký” cùng tuyển tập truyện ngắn của Junichiro Tanizaki để cảm nhận sự tinh tế trong ngòi bút văn chương của ông cùng với sự “đồi truỵ đặc sắc” của xã hội Nhật Bản bấy giờ.

This Post Has One Comment

Leave a Reply