You are currently viewing [Review Phim]: 3 Ngày Để Yêu 3 Ngày Để Chết – The Next Three Days
kinopoisk.ru

THE NEXT THREE DAYS (2010)- 3 Ngày Để Yêu 3 Ngày Để Chết
(Bản remake từ phim Pháp 2008 “Pour elle”(Anything for Her)

Nội dung sương sương:

Vợ chồng Lara và John cùng cậu con trai nhỏ đang sống vui vẻ hạnh phúc, thì bỗng nhiên một sáng đẹp trời, cảnh sát ập tới bắt Lara với tội danh giết sếp bằng bình cứu hoả, mọi bằng chứng đều chống lại cô: dấu vân tay trên bình, vết máu của sếp trên áo khoác của cô mà cô đang tẩy rửa đúng lúc cs ập tới. Lara bị kết án tù, và vào lần kháng cáo cuối cùng ở thời điểm năm thứ 3 trong tù thất bại, cô sẽ ở tù chung thân, Lara tự tử không thành. Tuyệt vọng, John lên kế hoạch đưa vợ vượt ngục. Kế hoạch đang được nghiên cứu tỉ mỉ thì bất ngờ biết tin vợ sẽ bị chuyển sang 1 nhà tù khác xa xôi khó khăn hơn trong 3 ngày nữa. Buộc John phải phải có kế hoạch khẩn cấp để cứu vợ.

Liệu John có cứu được vợ ko? Và liệu Lara có đúng là vô tội? Các bạn chịu khó xem phim online tìm lời giải đáp, đoạn hồi hộp bắt đầu từ 3 ngày còn lại này.

Điều hay ở phim này là tình yêu không chút hoài nghi của John (Russell Crowe) dành cho người vợ Lara (Elizabeth Banks). Mọi người trong phim: luật sư biện hộ và cả bố mẹ John cũng đều ngầm tin rằng Lara là kẻ giết người, cậu bé con trai thì bị mặc cảm và xa lánh, từ chối mẹ mỗi khi vào thăm tù. Duy John và chỉ John không tin vào điều đó, thậm chí còn chưa một lần hỏi Lara: Em có làm việc đó hay không?

Ba năm vợ trong tù mà John vẫn xoay sở chăm sóc con trai tốt và yêu vợ không hề thay đổi. Khi John-1 giảng viên ĐH- bắt đầu bị ám ảnh bởi việc cứu vợ khỏi tù, lặng lẽ lập kế hoạch mà không cho vợ biết mảy may, nghiên cứu, chụp ảnh trại giam, quan sát các ngóc ngách, theo dõi cảnh sát, lên YouTube tìm các hướng dẫn liên quan tới vượt ngục, bẻ khoá, và còn gặp 1 cựu tù nhân nhiều lần trốn trại đã ra sách để xin tư vấn, mình bắt đầu hơi sợ liệu phim có cho John bị tâm thần không? Bởi sự cô độc hành sự, tìm đến những nơi nguy hiểm để làm hộ chiếu giả, cướp tiền kẻ cướp mình, ánh mắt John là của 1 người có chiều sâu nội tâm ẩn ức, có nỗi buồn chất chứa không thể tỏ cùng ai mà lại ko tìm đến bất kỳ sự giúp đỡ tinh thần nào. Cái ẩn ức ở ánh mắt có phần không còn đường thoát đó chỉ chực bùng nổ khi đẩy tới giới hạn cuối cùng.

Gần như cả phim là 1 bầu không khí rất đỗi mơ hồ. Một số cảnh phải xem xong mới hiểu là cảnh trước tại sao lại gài gắm kiểu vô lý thế. Cái mơ hồ nhất đó là Lara có giết sếp không? Đạo diễn không có một lời thanh minh hoặc he hé lộ lộ 1 tí ti manh mối về việc này, để khán giả tự đưa ra quyết định tin Lara hay không? Hơn nữa phim không để nhân vật Lara có nhiều đất để chứng minh bản thân có yếu tố nào đó đáng được tin:

– Ta chỉ thấy đầu phim là cảnh tranh cãi giữa cổ và chị dâu chồng, đoạn này gần như chả ai tập trung nghe phần tranh cãi khỉ gì vì mọi luồng nhãn quang sẽ trĩu vào hai quả bưởi của bà chị dâu đẹp gái hot hền, mặc áo hở sâu đến …rốn.

Bưởi chị dâu và trận cãi nhau vốn từ sếp nữ chuyển sang bưởi cô phì đại như não :D. Trích lời chị dâu: – Đừng làm việc với sếp nữ, đặc biệt là nếu bạn thật đẹp còn họ thì không.

– Tiếp theo là cảnh quay lướt Lara cãi nhau hùng hổ với sếp nữ, tối đến sếp nữ nhận 1 quả táng vào đầu bởi bình cứu hoả. Rồi thế là vào tù bóc lịch.

3 ngày-cãi nhau với sếp nữ
Cảnh phim: cãi nhau giữa Lara và sếp nữ- người bị giết sau đó.

Mọi đất diễn tập trung vào John – người chồng yêu và tin vợ- sống trong một thế giới khác những người còn lại. Chúng ta đi theo thầy John, thông cảm, xót thương, hồi hộp với kế hoạch tuy tỉ mỉ mà đầy hoang tưởng-phi thực tế- bất khả thi, và còn mong thầy John phạm pháp thành công. Nếu John cướp được Lara khỏi tù mà không hề có sự đồng loã của vợ trong tù, lại hành động đơn độc, thì là 1 trò cười vào hệ thống cảnh sát của xứ Cờ Hoa. Rất may đạo diễn lái sang kế hoạch cấp bách thay đổi theo hướng có vẻ khả thi hơn.

Một điểm nhấn thực tế thú vị trong bối cảnh mơ hồ của phim là cảnh John hẹn gặp cựu tù vượt ngục xin tư vấn. Cựu tù đưa ra các lời tư vấn rất thực tế hữu ích và thú vị và trích một đoạn:

– Anh sẽ phải cần một xe tải tiền để rất nhiều tiền để duy trì cuộc sống ít nhất 5 năm. Thoát ra thì dễ, nhưng phần khó nhất là giữ lại được tự do. Anh phải biết anh đi đâu, làm thế nào đến đó, phải biết họ lên kế hoạch bắt anh ở đâu và khi nào. Khi tiền hết là hết bạn. Trước khi làm bất cứ điều gì anh phải tự hỏi xem mình có làm được việc đó không? Và nếu anh không thể thì đừng khởi sự.

Vậy mà John vẫn quyết khởi sự, đủ thấy ảnh yêu vợ và muốn mang người mẹ về cho con trai mình như nào, dù phải trả bằng bất kỳ giá nào, thầy vẫn còn tí lãng mạn phi thực tế của giới kỹ sư tâm hồn. Chỉ cần được tự do bên nhau trong khoảnh khắc, còn hơn nhìn nhau le lói qua song sắt suốt trăm năm. Cái giá của “tự do” thời nào, hoàn cảnh nào cũng đắt.

Một số bạn khi xem phim sẽ có ý tưởng: bỏ vợ đi, tới với em hot single mom (Olivia Wilde) đang ali mơi mơi kia đi. Nhưng John đã thành Liễu Hạ Huệ, ngồi cạnh gái đẹp mà ko một cọng lông nào dựng lên.

Olivia Wilde vai bà mẹ đơn thân trẻ tuổi có cảm tình với John.

Đáng xem. Diễn xuất của Russell Crowe xứng đáng, phim khá ly kì, tiết tấu gần suốt phim là chậm, buộc người xem phải căng mắt để nối các manh mối, bởi John chẳng nói gì cứ ù lì hành động, vẫn hơi vô lý vì một giảng viên ĐH nửa đời hiền lành bỗng trở thành 1 chuyên gia hành động, với Russell có vẻ hợp lý, nhưng rơi vào diễn viên khác chưa chắc đã đủ sức thuyết phục.

Bắt giò: cảnh đầu phim Lara đến quán ăn sau cái chết của sếp, mặt lưng áo trắng tinh. Họ từ quán về nhà đi ngủ, sáng ra  bỗng thấy vết máu to uỳnh ở mặt lưng áo khoác này.

Kết lại là 1 câu John nói với vợ khi gọi điện qua ô cửa sổ tù (sau vụ Lara đẩy John ra xa bằng cách nói lấp lửng rằng có lẽ mình là thủ phạm):

“I don’t care what you say or how you say it. I don’t believe you did it and I never will. I know who you are and I promise you this will not be your life.”

“Anh không quan tâm những điều em nói hoặc cái cách em nói. Anh không tin em làm điều đó và anh không bao giờ tin. Anh biết con người em và anh hứa rằng em sẽ không phải sống thế này.”

Có một người đàn ông tin yêu mình bất chấp như này, quả là em đến với nhân gian không uổng công xinh đẹp. Có lẽ kiếp trước Lara là người chôn John, kiếp này John trả nợ tình chôn. 

7.5 điểm

———————————–
Thêm chút về anh Russell Crowe: dân New Zealand, sinh sống chủ yếu tại Úc. Mặt của ảnh kể từ khi nổi bởi phim Gladiator (2000) tới giờ ko thay đổi độ mũm mĩm, chỉ khác là thời gian làm nó xệ đi thôi. Đáng lẽ với gương mặt như vại khó có vẻ manly vững vàng thì ảnh hoàn toàn gây được cảm giác tin cậy an toàn cho chị em, có lẽ vì ánh mắt sâu ẩn chứa tâm tư khó đọc của ảnh. Khác với ánh mắt của Keanu Reeves là buồn độc cô cầu bại, không màng và không cho ai lọt vào thế giới của mình, thì ánh mắt Russell Crowe là sự kìm nén đợi bùng nổ.

Russell Crowe có một số tiền sử về tính khí thất thường, và hung hăng nơi công cộng: như năm 1999 tham gia vào cuộc ẩu đả với hai người đàn ông định tống tiền ảnh. Năm 2005 ảnh ném điện thoại nhân viên ks khi người đã từ chối giúp ảnh gọi điện khi hệ thống không hoạt động từ phòng của Crowe. Sau đó ảnh bị cảnh sát New York bắt và Crowe đã phải đi bộ: một thủ tục ở thành phố New York, phơi bày nghi phạm bị còng tay với các phương tiện truyền thông để chụp ảnh. Hồi đó thủ tục này được thảo luận là có khả năng vi Tuyên ngôn Nhân quyền, không biết bây giờ đã sửa đổi chưa.

Russell Crowe không có nhiều scandal tình ái, cứ on rồi off với 1 cô gần 30 năm, năm ngoái mới ly dị. À lúc on – off thì cũng có tí à ơi với Meg Ryan.

This Post Has 2 Comments

  1. K

    Cảm ơn bạn!

  2. Khang Kale

    Cảm ơn K vì những thông tin thú vị

Leave a Reply to K Cancel reply