You are currently viewing [Review Sách] Chữ Vạn

CHỮ VẠN

Jun’ichirō Tanizaki

Jun’ichirō Tanizaki là người viết CA TỤNG BÓNG TỐI tuyệt hay, không ngờ CHỮ VẠN là của ổng viết.

CHỮ VẠN ngoắt ngoéo, si mê, ủy mị, các mưu kế chằng chịt lồng vào nhau của cuộc tình tay bốn, càng đọc càng lắt léo mà hâm mộ cách dẫn dắt của Tanizaki.

Cuộc tình đồng tính trộn thêm dị tính rồi thành xài luôn hai hệ, từ tình tay đôi nhoằng 1 phát thành tay ba hai hệ, kết là thành tay tứ kì khôi.

Trung tâm của cái mê cung đó là mỹ nhân Mitsuko Tokumitsu. Nghe tả nàng đã mê rồi, vừa đẹp lộng lẫy thoát tục lại có nét nhục dục đam mê bởi đôi mắt long lanh ướt át gợi tình. Phụ nữ như thế đàn ông không mê mới lạ, mà đàn bà không mê lại càng lạ hơn.

Truyện là lời tự thú của 1 nàng thiếu phụ. Nàng có anh chồng vô vị nhạt nhẽo, nên nàng lăng nhăng với 1 người đàn ông khác, sau đó gặp mỹ nhân Mitsuko, đam mê vẻ đẹp của mỹ nhân. Từ cuộc tình này dẫn tiếp tới 1 anh chàng Watanuki liệt dương nhưng lại biết làm chị em chốn buôn hương bán phấn mê muội tột cùng và anh chàng bất lực dùng mọi kế đê hèn để được ở bên Mitsuko. Nạn nhân cuối cùng là chồng thiếu phụ bỗng bị cuốn tiếp vào vòng xoáy tình yêu hỗn loạn này.

Phim Chữ Vạn 1964

Cứ có ít nhiều liên tưởng tới tiểu thuyết xinh xinh “Buồn ơi chào mi” của Françoise Sagan, không, cốt truyện không liên quan, nhưng cái kiểu lồng mưu kế kích mọi người thì có phần nhang nhác, và diễn biến tâm lý miêu tả thật tài tình.

Sách mỏng, truyện hay, ái tình nồng đượm, đồng tính được miêu tả thật đẹp từ thời đó, dị tính cũng đầy màu chết đi sống lại, bằng một giọng văn cổ điển trang nhã diễm tình.

Đọc rồi thấy hóa ra các bạn Nhật đôi khi rủ nhau giả vờ tự tử chỉ để cho vui dọa thiên hạ tí ai dè có ngày dọa đùa thành thật. Nhiều cái chết cũng chỉ lãng nhách đến thế mà thôi.

Truyện đã được dựng thành phim vào năm 1964.

Các bạn có thể xem thêm sách của Jun’ichirō Tanizaki ở dưới đây:

Ca tụng bóng tối

Hai cuốn nhật ký

Enjoy!

–The End–

Leave a Reply