You are currently viewing [Review Phim] CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC (2006)

-Ủy ban Thống Kê Nhà nước thu thập các số thống kê về mọi thứ, họ biết hết mọi thứ. Họ biết mỗi năm tôi mua bao nhiêu đôi giày, hàng năm tôi đọc bao nhiêu cuốn sách, và bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp với điểm 10. Nhưng có một con số mà họ không thống kê, có lẽ vì con số ấy khiến họ – những con người của giấy má và số liệu – cũng cảm thấy đau lòng: đó là số người tự tử. Kể từ năm 1977 đất nước chúng ta đã không còn thống kê xem có bao nhiêu trường hợp tự tử nữa. “Tự giết chết bản thân”. Họ gọi hành động đó là như vậy. Nhưng hành động này chẳng có liên quan gì đến “giết chết” ai cả. Giết người đòi hỏi phải có sự hăng máu và giận dữ. Đối với những con người tự kết liễu đời mình, hành vi của họ không hăng máu mà cũng chẳng giận dữ. Hành vi của họ chỉ thể hiện sự chết dần, chết mòn của hy vọng. (Trích bài báo nói về nạn tự tử ở Đông Đức của Dreyman-nhà soạn kịch trong phim)

Dreyman-nhà soạn kịch trong phim

CÂU CHUYỆN bắt đầu từ 1984 cách thời điểm bức tường Berlin sụp đổ 5 năm (1989): một nhân viên của đội phòng vệ An ninh quốc gia Đông Đức (bí danh HGW XX/7) được cử nghe trộm cuộc sống của một nhà viết kịch đẹp trai tài tử phóng khoáng với cô vợ diễn viên xinh đẹp, xem nhà viết kịch có tư tưởng gì nổi loạn không để còn tống vào tù.

Cặp đôi nghệ sỹ không biết rằng sinh hoạt hằng ngày của họ có 1 thính giả trung thành theo dõi.

Trong quá trình nghe trộm HGW XX/7 từ ác cảm ban đầu chuyển dần sang có thiện cảm với cặp vợ chồng nghệ sỹ, tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân của họ và sau đó là bí mật tìm cách bảo vệ nhà viết kịch, bất chấp rủi ro của bản thân. Và kết quả của việc nghe trộm đó đã thay đổi cuộc đời HGW XX/7. Không tiết lộ thêm, bạn nào hứng thú với chủ đề này hãy xem, xem xong chắc bạn sẽ thấy bỏ thời gian hơn 2 tiếng rất xứng đáng. 🙂

Wiesler (HGW XX/7) ở văn phòng và lúc nghe trộm
Wiesler (HGW XX/7) vội vã tới quán bar tìm cách hàn gắn cuộc hôn nhân của cặp vợ chồng nghệ sỹ

MÌNH thích cảnh Wiesler (HGW XX/7) chảy nước mắt khi nghe trộm nhà viết kịch Dreyman chơi bản sonat “Appassionata” của Beethoven. Gương mặt của Wiesler vốn lạnh lùng vô cảm nhưng đã biến đổi hoàn toàn khi nghe bản nhạc này, chuyển sang sững sờ, cảm động và khiến gương mặt ấy trở nên ấm áp. Wiesler nghe Dreyman hỏi Christa, mà cũng như hỏi chính y:

– NẾU một người nào đó lắng nghe bản nhạc này, thật sự lắng nghe, thì liệu họ còn có thể tiếp tục làm người xấu được nữa hay không?

Cảnh chơi đàn
Cảnh Dreyman chơi bản sonat “Appassionata” của Beethoven trong phim:

CẢNH này gợi nhớ tới phim “The Pianist”: nghệ sỹ dương cầm bị bắt gặp trốn trong 1 căn nhà hoang, đã chơi piano cho một viên sĩ quan Đức quốc xã nghe, và viên sỹ quan đó sau tìm cách cung cấp lương thực và giúp ng nghệ sỹ thoát khỏi sự truy lùng của Đức Quốc Xã.

HAY cảnh Andy – người tù oan trong phim “The Shawshank Redemption” bật đĩa nhạc Mozart với giọng nữ opera trong vắt và cao vút trong nhà tù u tối nặng nề và nối ra hệ thống loa ngoài cho cả đám tù nhân nghe- thứ âm nhạc họ không hiểu nhưng đứng lặng đi vì sâu xa họ cảm được vẻ đẹp và thứ gì đó xúc động len vào trong sự chai lỳ của tâm hồn. Còn Andy nằm ngả người trên ghế lắng nghe với gương mặt của một người phê thuốc, dù anh biết hình phạt kinh khủng sẽ tới sau vụ này nhưng vì Mozart đánh đổi cũng xá gì.

Wiesler (HGW XX/7) sau 1990 làm người đưa thư và nhìn thấy hình ảnh nhà soạn kịch mà mình bảo vệ năm xưa quảng cáo sách mới. Quyển này là một bất ngờ thú vị dành cho Wiesler.

CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÁC giành giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2006. Đây là phim thứ 2 của điện ảnh Đức mà mình xem, phim trước đó là “”GOOD BYE, LENIN!(2004).

biết hay nhưng mình cứ lần lữa không xem, vì xuất thân ở nước xhcn như Đông Đức trước kia, đâm ra có những thứ cứ ngại ngùng. Giống như mười mấy năm trước có triển lãm về chế độ bao cấp ở bảo tàng dân tộc học, đi xem mà lòng cứ chua xót ảm đạm, như 1 bạn nói bi kịch chả ai muốn xem lần 2. Sau này HN có quán cà phê Cộng tái hiện các vật dụng và màu sắc của thời bao cấp, nhìn thì cũng có cái hay, có điều mỗi lần ngồi lại có cảm tưởng tôi bị quay trở về cái thời đói khổ tù túng ấy.

THỜI ẤY tự do là 1 điều xa xỉ. Ai cũng phải giấu mình, phải giống mọi người và tốt nhất đừng thể hiện quan điểm khác biệt. Còn đời tư của bạn cứ yên trí đã có cả hệ thống an ninh nghe lén tinh vi rồi.

GIỜ ĐÂY chúng ta tưởng chừng đã được tự do, thoát khỏi thập niên tăm tối đó, mà hoá ra chúng ta cũng không tự do như mình tưởng. Thông tin ư, chúng ta bị đánh cắp thông tin tinh vi hơn hẳn nhờ internet, chả cần nhà nước độc tài với chế độ nghe lén, dữ liệu của chúng ta vẫn bay vèo vèo tới những nơi cần tới và thế lực Dữ liệu giáo ấy hiểu chúng ta hơn bất kỳ người thân bạn bè nào.

thời đại số, còn tạo nên những mạng lưới liên kết những người không quen trên MXH cùng đoàn kết lại, điều tra biết rõ thông tin ngóc ngách đời tư của ta, hoạt động còn hiệu quả hơn CIA hay bất kỳ đội phòng vệ An ninh quốc gia nào, để sẵn sàng cho ta lên máy chém ảo vào 1 ngày đẹp trời nếu chẳng may ta trót làm điều gì đắc tội ai đó trong cõi mạng mênh mông… Ta không bị nghe lén, nhưng hãy cẩn thận, nhất cử nhất động của ta đều có mạng ảo mà đời thật dõi theo. Lúc này có lẽ DẶM XANH* sẽ không còn quá dài nữa. Sống sao cho không mếch lòng cư dân mạng chắc là yếu tố sống còn của thời đại này, nhỉ?! 😀
PS 1: *“DẶM XANH” (The Green Mile) là bộ phim nổi tiếng năm 1999. Từ “Dặm Xanh” chỉ con đường màu xanh nối từ phòng giam tử tù tới phòng tử hình.
PS 2: Trong quá trình làm phim, đoàn làm phim đã định mượn chính nơi từng là trụ sở của đội phòng vệ An ninh quốc gia để quay, nhưng bị từ chối, vì nơi này không tin vào sự biến chuyển tốt đẹp của mật vụ nghe trộm trong phim, không thể có ở đời thật. Cũng như thế khi  bộ phim ra mắt đã gặp phải phản ứng trái chiều của 1 bộ phận công dân Đức. Họ cho rằng bộ phim đã làm sai lệch lịch sử nhất là hình ảnh đội phòng vệ An ninh quốc gia, chả ai có thể có sự cảm thông như nhân vật HGW XX/7 trong phim.
Nam diễn viên người Đức Ulrich Muehe (ảnh), ngôi sao phim Cuộc sống của những người khác (The Lives of Others)- đã qua đời nă 2007 ở tuổi 54, sau một thời gian mắc bệnh ung thư dạ dày.

-The End-

Hình ảnh trong bài: copy từ internet.

Leave a Reply