You are currently viewing [Review Sách]: Xứ Đàng Trong

Xứ Đàng Trong– Cristoforo Borri

Cha Cristoforo Borri

Đọc sử  của cha Cristoforo Borri người Ý mà sướng mê man như đọc cổ tích hay xem phim truyền hình ngôn tình dã sử. Xứ Đàng Trong ở quyển này chủ yếu nói về Quảng Nam quốc tính từ Đà Nẵng tới Quy Nhơn quả là rừng vàng biển bạc, đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú, ngay cả lũ lụt cũng nên thơ, đời sống như ở trong mơ hồi đầu thế kỷ 17. Sương sương vầy nè:

1. Lũ lụt

Dân vui mừng hoan hỉ vì lũ về, mọi người chúc mừng, vua chúa dân lành đối xử với nhau thân ái trong ngày hội non sông. Vì lũ lụt làm đất đai phì nhiêu màu mỡ, người ta trồng được 3 vụ lúa và bội thu tới mức chả ai phải đi làm mướn. Dịp này dân nghèo có dịp chèo thuyền hôi trâu bò gia cầm lạc chủ, vì luật cho phép. Là dịp lũ trẻ chèo thuyền rung cây trĩu trịt đầy chuột trốn nước lũ nên leo lên, trò chơi làm lợi ích cho dất đai quét sạch chuột khỏi đồng ruộng.

Xứ Đàng Trong

2. Hoa quả:

Phong phú quanh năm. Cam ngon, chuối ngọt, dưa dứa mít sầu riêng thần sầu. Cha Borri còn kiến nghị Adam và Eva nên dùng lá chuối che thân cho trọn (cha cũng rảnh quá).

3. Thịt thà cá mú

Ê hề từ gia súc gia cầm tới thú hoang, đã nhiều lại ngon. Hải sản dồi dào, cá mú vị ngon tới mức cha Borri chưa hề thấy nơi nào khác mà cha từng đến ngon bằng. Tổ Yến thì ngon không khác gì thịt cá, lại còn nhiều vô kể. (Loại kinh tởm là tắc kè thì cha không ăn, nhưng con ăn cha ạ, thơm ngon hơn thịt gà).

4.  Sữa

Người Đàng Trong không dùng một sản phẩm nào từ sữa, họ coi vắt sữa bò cái là một tội lỗi và họ đưa ra lý do rằng: sữa bò về bản chất là dành để nuôi bò con, cho nên không thể cướp thức ăn duy nhất của bò con được. (Văn minh hơn người bây giờ nhỉ.).

5. Lụa

Người Đàng Trong

Vô vàn tơ lụa đến nỗi tiều phu, thợ thủ công cũng dùng tuỳ tiện thoải mái trong công việc lao động nặng chả ai buồn chú ý giữ gìn bộ đồ tơ tằm đẹp đẽ cả. Lượng tơ tằm phong phú đến nỗi ko những dư thừa cho dân bản xứ mà người ta còn mua về Ai Lao (Lào), Tây Tạng, Nhật Bổn. Lụa không mỏng mịn như của Tàu nhưng bền hơn nhiều.

6. Nhà ở

Dựng toàn bằng gỗ Lim, đã thế rừng thì đầy rẫy gỗ này cao tận chân mây, thân hai người ôm mới xuể, ai muốn đốn gỗ trên núi bao nhiêu tuỳ. (Giờ thì rừng đã cháy và đã chặt, mà gỗ lim thì chắc phải sang nước Ai Lao mới còn).

Xứ Đàng Trong.

7. Trầm hương và kỳ nam

Là vật phẩm quý giá nhất xứ này. Ai có 1 thuyền trầm hương đủ sống cả đời. Kỳ nam là món hàng của vua, vua chúa phải có gối Kỳ nam mới xứng thân phận (gối đau bỏ xừ). Người Nhật sang mua kỳ nam, người Ấn sang mua trầm hương. (Hình dung đã thấy giao thương quốc tế tưng bừng nhộn nhịp, giống nòi nhờ đó mà được cải tạo). 

8. Khoáng vật

Cứ như phim đi tìm kho báu: Đàng Trong có đầy rẫy mỏ kim loại quý hiếm nhất là mỏ vàng.

  • Tóm lại: những nhà buôn châu Âu tới đây giao thương cho biết xứ Đàng Trong giàu có hơn rất nhiều lần so với Trung Quốc và phong phú hơn về mọi thứ.

    Khu buôn bán trên bến dưới thuyền xứ Đàng Trong

9. Về phẩm chất

Người Đàng Trong hào phóng, tử tế, thiện lương với mọi người. Họ cư xử với dân châu Âu nhã nhặn chứ không ghét bỏ khinh miệt như dân các nước Á Đông khác khi nhìn thấy Tây lông coi là hạng phàm phu tục tử. Dân Đàng Trong thì đến bắt chuyện từng dám đông, hỏi hàng ngàn điều, mời Tây ăn uống và đối xử rất lịch thiệp, văn minh, gần gũi. (Từ xưa tới nay đều chưa hết tò mò ).

À tất nhiên vì người ta dễ cho, nên cũng hay xin xỏ. Đến nhà ai thấy cái gì mới lạ là dân bản xứ sẽ nói: Scin mocaij (Xin một cái). Nếu từ chối sẽ bị coi là thiếu lịch sự, xấu xa. Nên liệu mà giấu đồ, nếu không là phải cho.

Rước quan Đàng Trong

Người Đàng Trong quý mến người ngoại quốc, cho phép họ được sống theo luật riêng và tuỳ nghi ăn mặc. Họ khen ngợi tập quán của ng ngoại quốc, khâm phục những học thuyết xa lạ, đặt lên trên cả giáo điều của họ, khác hẳn với Trung Quốc luôn tự phụ về phong tục và giáo điều quốc gia.

10. Y phục

Chỉnh tề hơn hẳn phụ nữ khắp Ấn Độ, vào ngày nóng nực mà mặc không lộ tí ti nào. Đoạn tả áo ngực rất hay:

– “Thân trên thì họ mặc 1 áo ngực vải kẻ nhiều màu sắc, bên ngoài lại là 1 tấm voan mỏng xuyên thấu nên dù có che hết thì vẫn nhìn thấy hoa ăn cầu kì chỉn chu song lại ăn ý, tưởng như nhìn thấy mùa xuân hoa lá yêu kiều”.

Đàn ông đàn bà để tóc dài móng tay dài vì là tầng lớp quyền quý, họ phản đối việc Tây cắt tóc và móng: sao đấng cứu thế mà các ông tôn sùng thì râu tóc xồm xoàm mà các ngài không học theo?

11. Y thuật

Cha Borri có vẻ rất mê cách chữa dân gian, ông nói một số bệnh ở Tây bó tay thì thầy thuốc nơi đây lại chữa lành dễ dàng. Bản thân ông và bạn bè đã từng được thầy thuốc bản địa chữa lành mà thuốc Tây không thể khỏi.

12. Nghệ thuật

Vì dồi dào, đủ lương thực nên dân bản xứ không ưa phiêu lưu tìm miền đất mới, vì quá dễ sống nên cũng không chú trọng nghệ thuật, chỉ ham muốn tò mò với những cái gì là lạ.

Đời sống tinh thần xứ Đàng Trong.

Còn bao nhiêu chuyện hay ho trong quyển sử mong mỏng này như việc mở mang sâu hơn vào phía Nam, việc truyền bá Phúc Âm thăng trầm ra sao được kể như một kịch bản đầy tính drama: hôm nay lên Voi ngày mai xuống Chó, ngày kỉa bỗng trở về chói lọi rất thú vị.

Cha Borri sống ở Đàng Trong vùng từ Quảng Nam tới Bình Định từ 1618-1622, sống ở đây 5 năm hoà nhập với dân bản địa: thích đi chân đất, mê ăn cơm, tới mức về Ý không quen nữa, biết tiếng Việt. Nên dữ liệu cha ghi được quả là đáng quý giúp ta biết về tập tục và người Chiêm Thành hoà trộn với người Kinh- Bắc Hà xuống sinh sống. Nửa sau thời gian ở Việt Nam, cha mệt mỏi về việc chăm sóc linh hồn cho con dân ở Hội An nên chuyển tới sống ở Quy Nhơn với vai trò như nhà khoa học, thiên văn học, với kiến thức của mình ông đã có được uy tín lớn và có được chỗ ở tiện nghi thoải mái.

Cha Borri ở Đàng Trong

Cha Borri đã có công nghiên cứu tìm tòi tỉ mỉ và trải nghiệm về nơi này. Cha trình bày bằng một lối hành văn hơi dài dòng nhưng lại duyên dáng, ngây thơ, trong trẻo, trìu mến, cộng thêm việc kiểm duyệt đối chiếu nghiêm cẩn về ghi chép của cha từ phía Ý, Pháp càng khiến các dữ liệu của cha đáng tin cậy.

Tuy nhiên vì yêu mến quá, nên cha cũng nhìn mọi thứ qua lăng kính màu hồng, và có vài điều trong sách hơi bị mô-đi-phê quá đà, như việc bày yến tiệc liên hoan lối xóm gì mà mỗi người có 1 bàn nhỏ riêng, trên bàn nhỏ bày 200 món. Ôi chao cái này thì cha háu ăn quá hay đang đói mà tả quá lên như thế?

Mới qua đèo Hải Vân, con người đã là một kiểu hoàn toàn khác. Như hai nước khác, tới giờ vẫn vậy. Có điều rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu của duyên hải miền Trung bây giờ quả đúng là chỉ còn tồn tại trong sách “Xứ Đàng Trong”.

Sử nào mà đọc cũng đáng yêu háo hức như bước vô xứ thần tiên mà “Xứ Đàng Trong” đã từng thì có phải ai cũng mê không.

Bộ đôi “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” + “Xứ Đàng Trong” rất đáng có trong tủ sách. Các bạn có thể tham khảo review của mình về sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” tại đây.

Lội dòng lịch sử: Vương quốc Chiêm Thành vốn bắt đầu từ vùng duyên hải Quảng Bình tới hết Bình Thuận. Đầu thế kỷ 11 VN oánh nhau với Chiêm Thành, vua Chiêm thua nên dâng Quảng Bình, Quảng Trị cầu hoà. Tới đầu thế kỷ 14 vua Chiêm là Chế Mân lấy Huyền Trân công chúa, nên tặng châu Ô, châu Lý (nam Quảng Trị + Huế + bắc sông Thu Bồn) làm quà sính lễ. Còn lại khúc từ phía nam Thu Bồn trở đi là ta oánh chiếm mở mang bờ cõi dần vào nam.

Nếu các bạn hứng thú có thể tìm đọc tại Lazada.

Nguồn ảnh: tham khảo tại đây tại đây.

Leave a Reply