You are currently viewing [Review Sách]: Mô Tả Vương Quốc Đàng Ngoài

Anh Samuel Baron sống ở nước ta vào thế kỷ 17, sản phẩm lai của mẹ Việt bố Hà Lan, lại là thương nhân sống lâu năm ở Kẻ Chợ, được thế tử con trai chúa Trịnh Căn nhận làm nghĩa tử, nên ảnh có thực tế về trải nghiệm, quan sát, tìm hiểu về đời sống quý tộc cũng như bình dân của dân Đàng Ngoài hồi đó.

Thế mà có anh Pháp nọ tên là Jean-Baptiste Tavernier, dám ra 1 quyển sách trước đó 20 năm là “Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài” phóng đại, bịa đặt về 1 vương quốc giàu có, của cải dồi dào, rồi đem tập tục hình ảnh nước lân cận nào đó vào mô tả Đàng Ngoài. Anh Baron giận quá, phải chứng tỏ nên ảnh ra sách giới thiệu về xứ Đàng Ngoài thời này hòng đập tan anh Pháp kia! Vì thế chúng ta có trong tay 1 quyển sử mang tên “Mô tả Vương Quốc Đàng Ngoài khá vui, nhiều dữ liệu không có trong sử sách chính thống, và các góc nhìn thú vị, thẳng thắn về người Đàng Ngoài với đại diện tiêu biểu là Kẻ Chợ.

Anh Baron bảo vầy về Đàng Ngoài nha:

  1. Nết ăn uống: Người danh giá tỏ ra ăn uống lịch sự. Còn dân lao động hay tùy tùng gia nhân ngồi xuống bàn là cắm mặt cúi đầu ăn hùng hục không trò chuyện, không phải do kính trên, mà họ tham lam và phàm ăn, sợ nói chuyện thì thằng khác lẳng lặng chén hết. Dưới gầm trời lồng lộng này khó mà kiếm được dân tộc nào phàm ăn như người này (giờ vẫn thế và còn hơn thế ý anh ơi, em đây gái Kẻ Chợ ăn như thuồng luồng: kỷ lục từng ăn ba tô phở 1 lúc tại xứ Đàng Ngoài, hai tô Mỳ Quảng 1 lúc tại xứ Đàng Trong). Thường dân ko mấy khi uống say, quan lại binh lính uống say xỉn không bị coi là xấu, ai uống khỏe còn được tôn vinh là dũng cảm. (Giờ cũng chưa thay đổi mà còn KING hơn :D)
  2. Vệ sinh: Không có thói quen rửa tay trước khi ăn cơm, chỉ súc miệng vì nhai trầu. Tuy nhiên sau khi ăn thì họ rửa cả tay và miệng (Ôi hóa ra rửa tay trước khi đi ỉa và sau lúc ăn cơm là có thật)
  3. Ngoại hình: Người Đàng Ngoài có làn da nâu như Tàu và Nhật, nhưng nhìn đẹp hơn. Phụ nữ quyền quý thì có da đẹp như người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Mũi và mặt người Đàng Ngoài không tẹt như Tàu. Khổ người nhỏ, thể trạng yếu đuối (tới giờ sau 4 thế kỷ chúng em lùn nhất châu Á-Thế giới và ung thư đầu bảng anh ạ).
  4. Đầu óc: Người Đàng Ngoài có đầu óc và trí nhớ tốt, có khả năng làm việc tốt nếu được đào tạo bài bản. Người Đàng Ngoài ham học, nhưng không phải do yêu thích sự học mà do muốn vinh thân phì gia. (giờ vẫn vậy, còn phát triển tới tầm bịnh hoạn hơn, ít ra như anh nói thi cử học hành thời đó trung thực nghiêm ngặt đáng khen).
  5. Khả năng: Người Đàng Ngoài không giỏi về chiêm tinh học, hình học và các ngành toán học, tuy nhiên họ khá thành thạo về số học. Đạo đức của họ rối rắm không theo phương pháp chuẩn như ngành logic học. (Nên chúng em cổ vũ nhau: Hãy tắt đèn đi và đừng nghĩ tới Đạo đức đấy anh ạ).
  6. Luật pháp: sử dụng theo luật Trung Quốc nhưng nhân đạo hơn, thậm chí hơn cả tư tưởng của Aristotle. Luật Tàu cho phép vứt bỏ trẻ em tàn tật, dị dạng và trẻ em nữ, người Đàng Ngoài phản đối những luật tục xấu đến bỉ ổi và kinh tởm của nước láng giềng. Người làm luật Đàng Ngoài khá uyên thâm và có tình người. Nhưng dù luật có tốt đế mấy sự nghèo khó của con người và sự tăng lên của các quan tòa thuộc cấp khiến nền luật pháp đến chỗ hủ bại, có tiền thì tội gì cũng được xóa, chẳng mấy quan tòa không nhận đút lót.
  7. Chăm chỉ: Người dân Đàng Ngoài trong chừng mực nào đó thì chỉ có phụ nữ chăm chỉ cần củ, chứ đàn ông Đàng Ngoài thì nhìn chung là biếng nhác và thích nhàn rỗi, chẳng chịu làm việc gì.

“Tôi thực sự tin rằng họ chỉ thích mỗi hai việc là ăn và ngủ, ních cho đầy bụng. Tôi có cảm giác họ sống trên đời này nhằm mục đích để ăn, chứ chẳng phải ăn nhằm duy trì sự sống.”

(Đó là truyền thống được gìn giữ bao đời rồi anh ạ, chừng nào chị em còn cần cù chịu khó thì các anh còn lười, khi nào chị em CẦN CU CHỊU KHÒ thì mới hy vọng khác đi).

8. Ly dị: với tầng lớp thấp không biết chữ: người chồng bẻ đồng xu hoặc chiếc đũa làm đôi trước mặt vợ như một bằng chứng cho việc giải phóng hôn nhân, đưa vợ giữ 1 nửa. Vợ chỉ việc mang nửa đồng xu/ nửa chiếc đũa tới gặp trưởng thôn và người già trong làng để làm chứng cho việc giải phóng, chồng ko quản cô nữa. Xong việc cô vứt đũa đi và kiếm chồng mới. (Bỏ nhau kiểu bình dân này hay, nên áp dụng)

9. Kiến trúc: nói chung ko có gì quy mô hoành tráng, nhà dân thì chỉ là nhà tranh vách đất đơn sơ, phủ Chúa lộng lẫy hơn, có thành quách nhưng cũng không quy mô vĩ đại hoành tráng như các nước láng giềng.

Tôn giáo: không quá sùng tín nên cũng không có công trình tôn giáo lộng lẫy như các nước lân cận.

Tranh vẽ cảnh vua Lê thiết triều của Samuel Baron – thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII.

10.  Kinh tế: đáng lý phải giàu với tiềm năng và địa lý, nhưng Chúa không cho dân giàu, cũng ko cổ vũ buôn bán với nước ngoài vì chính sách thuế má, đút lót, thường dân buôn bán làm giàu lên là chết với quan lại. Cứ nghèo nghèo thì sẽ ngu dân dễ cai trị, ai có trót giầu phải giấu giếm.

Sách mỏng không phải dạng du ký, anh Baron có những trải nghiệm sống, hiểu biết sâu với quan sát tỉ mỉ dữ liệu như một nhà dân tộc học. Nội dung dễ chịu thú vị, hài hước. Đọc xong chỉ có kết luận là hóa ra Đàng Ngoài chúng ta qua 4 thế kỷ kể từ ngày sách này xuất bản, vẫn có nhiều thói quen/ nết/ nét tính cách y hệt như thế kỷ 17. Với đặc tính được bảo toàn nguyên vẹn, bền vững với thời gian, ta có thể làm phim xuyên không về thời điểm này mô tả thói quen, tính cách mà không lo ném đá.

tap du ki
Sách của Jean-Baptiste Tavernier

Các từ rất cool, cách anh Baron đọc từ tiếng Việt:

– Tay-de-lie: thầy địa lý
– Ba-cote: Bà cốt– Thay-Boo: thầy bói
– Thay-Boo-Twe: Thầy phù thủy
– Bova-dee-yaw: Vua đi dạo
– Wean-quan: Huyện quan
– Cubang: Cao Bằng.
– Tingiva: Thanh Hóa.
– Lee: Lê Lợi
– Leedayhang: Lê Đại Hành.

PS: Quyển “Xứ Đàng Trong do một anh người Ý- giáo sỹ viết về Đàng Trong vào thế kỷ 17, mình đang đọc, tò mò zai Ý lẳng lơ sẽ viết cái gì. Review sau.

Hình ảnh trong bài: nguồn wiki và internet.

Leave a Reply