You are currently viewing [Review Câu Chuyện Dòng Sông-Siddhartha]: Hãy Thôi Tìm Kiếm

“Không có gì đã là, không có gì sẽ là, tất cả đều đang là, mọi sự đều thực tại và hiện tiền. An trú trong hiện tại, nơi đây và bây giờ”.

***

Đang sống trong nhung lụa giàu sang với vẻ đẹp rạng ngời trí tuệ, trai yêu gái liếc, nhưng chàng trai trẻ Tất Đạt (Siddhartha) vẫn cảm thấy lòng không yên ổn, hạt giống khổ đau len lỏi trong chàng, khi chàng bắt đầu hoài nghi vào nghi lễ, những lời cầu nguyện, lối sống của những người Bà La Môn thông thái mà đại diện chính là cha chàng. Cha chàng người cao nhã, thông tuệ mà dường như vẫn chông chênh nên cứ tìm kiếm khôn nguôi, người không phạm tội gì mà luôn phải tẩy rửa tội lỗi… Với những hoài nghi và sự bất yên, chàng rời nhà đi tu, khắc kỉ bằng sự khổ hạnh, mong muốn tìm được ý nghĩa cuộc đời.

Ba năm sau, chàng gặp Đức Phật (Cồ Đàm) nhưng dù với lòng kính trọng, không phủ nhận giáo lý của Phật, chàng vẫn quyết tự ra đi tìm cho mình 1 con đường giải thoát riêng.  Chàng tin tự mình trải nghiệm mới có tìm được chính mình, chứ không tin thông qua giáo lý của Phật mới khai sáng được. Kiến thức có thể được trao dạy, nhưng thông thái đến từ trải nghiệm. Vậy là lần giác ngộ đầu tiên: từ bỏ con đường tu khổ hạnh sau 3 năm. Khổ hạnh không giúp chàng thoát khỏi bất yên, khổ đau.

Bản dịch từ tiếng Anh.

Chàng trở về thế tục: chìm vào duc lạc, tham lam, cờ bạc…Rồi một ngày kia mệt mỏi bởi cuộc đời trống rỗng, thân xác phàm tục đầy ham cầu. Chàng bỏ đi khỏi thành phố mãi mãi và quyết định trầm mình ở 1 dòng sông. Thì nghe thấy tiếng “Om” từ dòng sông vẳng lại, ai hiểu được âm thanh này là những người đã được khai sáng, chàng bỏ ý định tự tử. Đây là lần giác ngộ thứ 2.

Chàng ở lại bên sông làm bạn với người lái đò rồi trở thành người lái đò, bình yên thanh thản đưa người qua sông. Tới một ngày gặp được người con mà giờ đây chàng mới biết sự hiện diện trên đời. Sự đau khổ, cố chấp lại ập đến mang danh tình yêu và cảm hoá. Nhưng rồi chàng đau khổ nhận ra đứa con không chịu nổi. Cho tới lúc chàng giác ngộ: buông tay, để đứa con tự do, chấp nhận đời là thế.

Ba lần giác ngộ sau khi trải qua hàng loạt trải nghiệm từ tuổi trẻ sung túc đầy hoài nghi, tới bỏ nhà đi tu khổ hạnh hành xác, rồi lại nhập vào đời trần tục chìm đắm trong dục lạc ham cầu, cuối cùng là bỏ đi mãi mãi, chấp nhận đã yêu thì phải buông tay. Chân lý nhận được thật đơn giản: yêu thương – chấp nhận – tán thành thế giới vạn vật xung quanh như nó sẵn có:

“Thế giới, không phải là không toàn thiện hay đang chậm chạp trên đường toàn thiện đâu. Không đâu, nó toàn thiện trong từng khoảnh khắc, mọi tội lỗi đều mang sẵn trong nó sự ân xá, mọi trẻ thơ đều mang sẵn cái chết, mọi người hấp hồi đều mang sẵn sự sống vĩnh cửu. Không ai thấy được người khác đã đi được bao xa trên con đường của y, trong tên cưới hay tên gieo xúc xắc có Phật chờ sẵn, trong người Bà La Môn có trộm cướp. Bởi thế theo tôi thấy mọi sự hiện có đều tốt, chết cũng như sống, tội lỗi cũng như thánh thiện, khôn ngoan cũng như rồ dại, tất cả đều phải như thế, tất cả chỉ cần sự đồng thuận của tôi, sự tán thành của tôi, sự đồng tình đáng yêu của tôi…

Tôi đã từng trải qua cả hồn lẫn xác rằng tôi rất cần phạm tội, cần dục lạc, chạy theo của cải, chạy theo tính kiêu căng và cần tuyệt vọng nhục nhã để học xả bỏ sự miễn cưỡng, để học yêu thương thế giới, để thôi không so sánh nó với thế giới tôi tự nghĩ, tôi mơ ước, với một sự toàn thiện tôi tưởng tượng, mà nó thế nào thì cứ để thế ấy, thương yêu nó và vui thích được dự phần trong nó”.

– Những tư tưởng gia vĩ đại có thể đặt nặng vấn đề tìm hiểu vũ trụ nhân sinh, giảng giải và khinh bỉ nó. Nhưng tôi nghĩ chỉ có một điều quan trọng là yêu thương thế giới, không phải khinh bỉ nó, không thù ghét nhau mà phải nhìn thế giới và nhìn chính chúng ta cùng mọi sự vật với lòng yêu thương và kính trọng.

Trong thời đại ngày nay khi con người trở nên khá giả, mọi thứ dần trở nên thừa mứa, nhưng tâm không vững, cảm thấy thiếu gì đó trong cuộc sống đủ đầy, sự trống rỗng khi dư thừa vật chất và sau những cuộc vui, nhu cầu tìm về bản ngã trỗi dậy, và họ cũng mải miết đi tìm sự bình yên.

Tín đồ Phật tử có tới hơn 500 triệu người trên toàn thế giới, thử hỏi bao nhiêu người đã thực sự thoát ra, nhìn ngoài chiếc hộp hay đương cục giả mê, bàng quang giả tỉnh? Bao nhiêu người vẫn đặt trọng mục đích phải đạt như: Niết Bàn, Cực Lạc, Khai Sáng… tu cả cuộc đời, tìm kiếm bao kiếp mà quên mất điều này:

“Khi tìm kiếm, ta thường chỉ chăm chắm nhìn vật muốn tìm. Sở dĩ ta không gặp được gì hết, không thu thập được gì hết là vì ta chỉ nghĩ đến thứ đang tìm, vì ta có một mục đích, vì ta bị mục đích ấy ám ảnh. Tìm kiếm có nghĩa là: có sẵn mục đích. Còn bắt gặp có nghĩa là: ung dung tự tại, không cố chấp, không định sẵn mục đích. Thưa thầy tôn kính, có thể thầy đúng là người đang tìm kiếm thật đấy và chính vì do cố đạt mục đích nên thầy đã không thấy đôi điều nhãn tiền”. (Trích)

 

“Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này” (Trích thơ của Hermann)

Câu chuyện dòng sông” có văn phong trang nhã cổ điển, ngôn từ trong sáng mà sâu sắc, mang hơi hướng tự truyện xuất bản từ năm 1922 mà độc giả cảm nhận như thể mình cũng có phần nào con người của của Tất Đạt. Hermann Hesse sinh ra trong gia đình Kito giáo, cha mẹ ông là nhà truyền giáo sống nhiều năm ở Ấn Độ, nên ông có sự thấu cảm với đạo Phật.

Câu chuyện về hành trình tâm linh, tìm lại chính mình và giác ngộ của chàng Tất Đạt sống cùng thời với Đức Phật, dù là nét huyền bí phương Đông xuyên suốt khắp tác phẩm, nhưng lồng vào đó là tính cách châu Âu điển hình: bi quan và luôn hoài nghi. Đoạn Tất Đạt gặp gỡ Đức Phật: đúng là đông tây hội ngộ: Chủ nghĩa cá nhân phương Tây nghi ngờ mọi giáo lý. Dù gì vẫn không theo Phật, quyết tự tìm cho mình một lối đi riêng bằng trải nghiệm cá nhân. Dù con đường dẫn đến giác ngộ không giống nhau, nhưng kết quả cuối cùng cũng như nhau: bỏ được hai cực đoan là dục lạc và khổ hạnh. Giờ đây ta thênh thang trên con đường trung đạo.

Nếu bạn thấy muốn đọc sách giác ngộ mà các bài học giáo lý của Phật Giáo khó hiểu, khó vô thì hãy đọc quyển này: dễ hiểu hơn, dễ đọc hơn. Đọc mỗi độ tuổi lại cảm nhận khác hơn, sâu hơn. Các trải nghiệm cuộc đời của bạn sẽ giúp bạn rung cảm sâu sắc với tác phẩm của ông.

Cuối cùng xin trích một số đoạn khá thú vị:

Đối thoại giữa nhà buôn Vạn Mỹ và Tất Đạt:

VM: – Ngài có thể cho gì… Ngài đã học được gì để cho…

TĐ:- Tôi có thể suy tư, chờ đợi và nhịn đói.

VM:- Nhưng những thứ ấy dùng để làm gì… Ví dụ như nhịn ăn, để làm gì…

TĐ: – Nó có giá trị lớn lắm, thưa ông. Khi một người không có gì để ăn, nhịn đói là điều khôn ngoan nhất. Chẳng hạn nếu tôi không học cách nhịn, thì tôi phải tìm việc làm hôm nay, hoặc với ông, hoặc nơi khác, vì cơn đói hướng dẫn tôi. Nhưng bây giờ, tôi có thể chờ đợi một cách bình thản. Tôi không vội vàng, không thiếu thốn, tôi có thể nhịn rất lâu và xem thường sự đói. Vì thế mà nhịn đói là hữu ích, thưa ông.

Nghệ thuật ân ái mà Kiểu Lan dạy Tất Đạt:

– Chàng học hỏi được nhiều nơi đôi môi đỏ khôn khéo của nàng. Bàn tay mềm dịu của nàng dạy chàng rất nhiều. Vốn còn là một đứa con trai khờ dại trong tình yêu, chàng thường đắm mình trong ái ân một cách mù quáng không biết chán chê, không bao giờ thỏa mãn. Nhưng nàng dạy cho chàng rằng không ai có thể hưởng thụ khoái lạc mà không đồng thời ban bố nó, và mỗi cử chỉ, mỗi sự mơn trớn, mỗi cái nhìn, mỗi phần trong cơ thể đều có bí quyết riêng của nó để đem khoái cảm cho người biết thưởng thức. Nàng dạy cho chàng rằng những người yêu đương không nên rời nhau sau khi âu yếm mà không cảm phục nhau, không chinh phục người yêu và bị chinh phục, để cho không có cảm giác ngấy chán hay cô đơn nào phát sinh, và nhất là không có cái cảm giác khủng khiếp là mình đã lạm dụng hay bị lạm dụng.

Có hai bản dịch 1 bản của dịch giả Lê Chu Cầu trực tiếp từ nguyên bản tiếng Đức, và 1 bản của dịch giả Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch từ bản tiếng Anh. Hai bản đều hay, nhưng để sát với nguyên bản thì mình chọn bản của Lê Chu Cầu.

Và nếu yêu thích tác giả này hãy tìm đọc thêm tác phẩm tiêu biểu “Sói đồng hoang” (hoặc “Sói thảo nguyên“). Năm 1946 Hermann được trao giải Nobel văn học vì những tác phẩm của ông đều mang đậm nét nhân bản.

Nguồn ảnh: Internet.

*****

Leave a Reply