You are currently viewing [Review Phim] Lost In Translation-Lạc Lối Ở Tokyo

Lost In Translation (2003)- Lạc Lối Ở Tokyo*
-Everyone Wants To Be Found-

Trong một ngày cuối thu se lạnh nắng heo may lộng lẫy điêu tàn ở Chiang Mai, khi khắp các trung tâm mua sắm vang lên các bản nhạc Giáng sinh vốn không phải là văn hoá của đất nước này, các cô thu ngân da vàng-tóc đen-mũi tẹt-mày xăm-răng niềng-đội mũ ông già Noel đỏ viền trắng nhoẻn miệng chắp tay chào khách hàng soa-wat-ti-kha, thì không gì hợp lý hơn là xem một bộ phim cũ: “Lost in Translation“.


Đạo diễn kiêm người viết kịch bản Sofia Coppola vốn thăm thú Tokyo nhiều lần trong lứa tuổi 20 và yêu thích ánh sáng đô thị nơi này nên rất tinh tế khi chọn Tokyo là bối cảnh để viết về đề tài cô đơn lạc lối của hai người Mỹ: Bob Harris một diễn viên nổi tiếng sắp hết thời đang khủng hoảng tuổi trung niên với gia đình sự nghiệp tới Tokyo quay quảng cáo rượu thù lao 2 triệu đô và Charlotte một cô gái trẻ đẹp học triết, mới ra trường theo chồng là nhiếp ảnh gia bận rộn tới Tokyo.


Nhật Bản chắc là đất nước nhiều hiện tượng cô đơn khác người, tách biệt nhân loại nhất và cũng là nơi tạo ra các loại hình giải trí về cách giải toả các nỗi cô đơn mà chả cần sự hiện diện của đồng loại-con người. Và đại diện là Tokyo với giao lộ Shibuya thần thánh bận rộn đông đúc nhất thế giới, hàng triệu người qua lại mỗi ngày vừa hỗn loạn mà trật tự, cũng là nơi dễ khắc hoạ cảm giác cánh chim cô đơn lạc lối giữa biển cò nhất. Nước Nhật đi trước thời đại nhưng vẫn còn nét trầm tư cổ kính thiền viện u nhã cắm hoa tinh tế, vừa có sex show, vừa sùng Mỹ vừa chả chịu nói tiếng Anh, vừa đông đúc chơi bời thâu đêm suốt sáng, vừa cô đơn khi mọi người thà kết nối với máy móc còn hơn với con người, ánh sáng nê ông biển hiệu nhấp nháy không ngủ, đêm ngày không phân.


Hai người gặp nhau trong một khách sạn ở Tokyo – và như những con nghiện dễ dàng nhận biết trong đám đông kia ai là kẻ nghiện như mình, hay những người đồng tính kín đáo cũng dễ nhận ra ai cùng giới bằng ra-đa đặc biệt của mình- Bob và Charlotte nhận ra nhau, ngửi ra sự cô đơn lạc lối của đối phương tại nơi mặt trời mọc đầu tiên ở Đông Phương, nơi khác hẳn phần còn lại của thế giới như thể một cõi khác thuộc hành tinh khác.


Sự đồng cảm nảy sinh, thoại ít đơn giản không đao to búa lớn, rồi một thứ tình len lỏi lớn dần lên, không hẳn là tình yêu, nhưng cũng chẳng phải là tình bạn, mà là thứ tình đồng điệu của hai tâm hồn lạc lối tìm thấy nhau, nơi họ có thể tìm thấy sự kết nối với đối phương, chia sẻ mà không ngại ngần vì nửa kia sẽ hiểu, không đánh giá. Hành động tình nhất, có phản ứng hoá học nhất không phải là nụ hôn từ biệt cuối phim, mà là tay phải của Bob chạm vào bàn chân của Charlotte khi cô ngủ. Sự tinh tế rất đông phương, không có tình dục, 1 cái chạm vào khe khẽ, một ánh mắt đượm buồn khắc khoải chấp nhận của Bob nhìn theo bóng Charlotte đi vào thang máy, hay tìm cô trong đám đông cũng đủ nói lên bao điều không cần diễn đạt thành lời.


Sự cô đơn lạc lối của Bob và Charlotte khác với kiểu của Nhật- nơi con người khắc kỷ phụng lễ tránh làm phiền đối phương, một ngày kia nếu không còn lẽ sống thì thà tự tử còn hơn tìm sự kết nối nào đó với đồng loại. Sự cô đơn đó cũng khác với các nhân vật của Haruki Murakami. Nhân vật của Haruki luôn sống trong thế giới riêng với niềm yêu thích, nỗi u buồn của họ, được là chính mình, và không cần chia sẻ với ai. Như Muraki từng nói:

– Tôi cảm thấy hạnh phúc bởi vì tôi biết mình thích những gì, những điều ấy không thay đổi kể từ khi tôi còn nhỏ. Giờ đây tôi vẫn biết mình thích gì. Cái đó chính là lòng tin. Nếu không biết những gì mình thích, ta sẽ lạc lối.

Charlotte mới tốt nghiệp ĐH không biết mình muốn gì thích gì đúng như khủng hoảng tuổi 20, lạc điệu với người chồng bận rộn, cô đơn giữa một nền văn hoá xa lạ, chỉ lạ là sao cô không học khoá tiếng Nhật nào để tìm kiếm sự hoà đồng ngôn ngữ? Chả lẽ lại trách rằng vì cô học triết. Bob đã từng đồng điệu với vợ con nhưng 25 năm chung sống đã bào mòn sự kết nối (cũng như đa phần các cặp đôi khác sống với nhau lâu đến mức tê liệt cảm xúc), sự nghiệp về chiều, sang Nhật quay những đoạn quảng cáo tẻ ngắt sến rện trong hoàn cảnh đạo diễn nói gà, tôi diễn vịt bởi người phiên dịch dịch sót và lược bỏ hầu hết những điều quan trọng.

Nhưng, như ước muốn ở màn hình quảng cáo khổng lồ có chú khủng long lạc lối với dòng chữ: Everyone wants to be found (Ai cũng muốn được tìm thấy). Họ – hai nửa xa lạ – vốn đã cô đơn ở Mỹ, giờ lạc lối ở Tokyo- đã tìm thấy nhau trong quãng thời gian ngắn ngủi. Ít nhất là họ đã tìm thấy nhau trong thoáng chốc, rồi chia ly.

“Cô đơn là điều không thể tránh khỏi, nhưng chịu dựng nó hay không lại là sự chọn lựa”.**

Bạn thích được tìm thấy? Hay đi thăm khu rừng tự sát ở chân núi Phú Sỹ?

Nội dung phim nếu nói về diễn tả sự lạc lối thì chưa đủ độ sâu, nhưng diễn tả về cảm giác cô đơn lạc lối thì Sofia Coppola lúc ấy mới ngoài 30 tuổi đã làm được. Đặc biệt qua phần diễn xuất của Bill Murray (vai Bob Harris), Sofia đã viết kịch bản này với hình dung chắc nịch rằng chỉ Bill Murray mới vào được vai này, cô quả đã đúng. Scarlett Johansson mới 19 tuổi khi vào vai Charlotte, diễn xuất rất ổn, dù rằng mình mải nhìn gương mặt và thân hình thanh xuân căng mọng tràn trề của nàng nhiều hơn. 😀 

Sofia Coppola bên phải cùng hai diễn viên chính trong phim, năm 2003.

PS:
*Tên phim tiếng Việt là: Lạc lối ở Tokyo. Nhưng mình thấy dịch đúng tên tiếng Anh là Lạc Lối Trong Dịch Thuật thì hợp lý và khớp với nhiều tầng ý nghĩa của phim hơn, mặc dù tên này chắc dễ bị hiểu lầm và khó hút phòng vé hơn.

**Dựa trên câu “Nỗi đau là điều không thể tránh khỏi, nhưng chịu đựng nó hay không lại là sự chọn lựa” ( Tác phẩm “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”- Haruki Murakari)

Nguồn ảnh: Internet.

Hình nền của poster đại diện copy từ: https://www.insider.com/tokyo-japan-named-best-big-city-travel-2019-10.

Leave a Reply