You are currently viewing [Review Phim] The Dreamers – Những Kẻ Mộng Mơ

Có nhớ chǎng, hỡi gió rét thành Ba Lê?                                                                                                                            Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa bǎng giá?

Hơn 40 năm sau, cũng tại Ba Lê thành, đã qua mùa băng giá, ta có cả một núi gạch hồng thanh xuân rừng rực ở “Mai 68”* và hâm mộ đại ka Hồ cùng chủ nghĩa Mao. Trong cuộc biểu tình đình đám ấy, Thanh Xuân non trẻ của nước Mỹ chính thức gặp cặp song sinh Thanh Xuân của nước Pháp già cỗi. Khi chủ nghĩa hiện thực gặp chủ nghĩa lãng mạn, thì điều gì xảy ra? Rằng Pháp thì thực sự rất Pháp mà Mỹ thì vẫn mãi là Mỹ mà thôi, dù có choáng ngợp, bị cuốn vào sự mới mẻ ở kinh đô ánh sáng.

Cặp song sinh người Pháp là Isabelle và Théo mời chàng sinh viên Mỹ Matthew làm khách ở nhà khi bố mẹ đi vắng. Mỗi người trẻ là một người mơ mộng. Ở tuổi mơ mộng ấy, chúng ta từng (muốn) nổi loạn, phá cách, đập bỏ cái cũ, thoát khỏi giáo điều bảo thủ, muốn thay đổi thế giới, nhìn sự đời có khi đầy chán ghét… nhưng cũng chính bộ ba thanh xuân mơn mởn ấy vừa đầy nhiệt huyết tham gia biểu tình, lại nhanh chóng hết cơn ham hố, mà đóng cửa cách tuyệt với thế giới bên ngoài, sống cùng nhau trong căn nhà của bố mẹ cặp song sinh, ngày ngày tận hưởng những niềm vui riêng cho cá nhân họ: trò chơi điện ảnh, tranh luận chính trị và quan hệ tình dục.

Mối quan hệ ba người trong bối cảnh đó vừa ngông cuồng, lại có sự ngây thơ hồng phấn mong manh. Isabelle nhìn bạo dạn chững chạc quyến rũ mà hoá ra nàng chín mọng bên ngoài nhưng bên trong lại xanh non và mất trinh vào tay Matthew trước mặt anh trai. Thì ra vẫn có sự bảo thủ của Châu Âu lôi cuốn, nhưng thâm tâm khát khao giải phóng cá tính, tình dục. Còn nước Mỹ với trào lưu Hippy và nhạc rock, tư tưởng cởi mở đón nhận cái mới, mà Matthew trông lại ngây thơ dè dặt.

Bộ ba ăn chung 1 bàn, ngủ cùng 1 giường, tắm chung 1 bồn, chạy cùng 1 chỗ, cùng tham gia biểu tình…để rồi trong suốt quá trình đó Matthew đắm mình tận hưởng chủ nghĩa lãng mạn ở Paris nhưng chân vẫn chạm đất, dù yêu Isabelle, ngưỡng mộ Théo, yêu mến cả cặp song sinh ấy, cậu vẫn nhận ra rằng từ đầu tới cuối của mối quan hệ ba người, cậu mãi chỉ là người ngoài cuộc, cậu không thể nào bước vào thế giới của cặp song sinh lãng mạn sống trong ảo tưởng và từ chối lớn ấy. Rằng Tam nhân hành, tất hữu….Độc Cô*, tưởng như 3 ta là 1 thể, nhưng trong các cuộc chơi vào giây phút quan trọng hoá ra ta là kẻ có cũng được mà không có cũng chẳng sao.

Bộ ba chạy xuyên bảo tàng Louvre

Thanh xuân là thứ một khi đã có nó thì ta biết mình chỉ có một lần ngắn ngủi mà thôi. Và những tháng ngày cuồng nhiệt tươi trẻ hư hỏng ấy một đi không trở lại, khoái lạc hồng phấn mong manh ấy cũng bất tái lai.

Bộ phim kết thúc dang dở, bởi Isabelle lựa chọn đi tiếp cùng anh trai trong cuộc bạo động, và Matthew chọn đi ngược lại đám đông biểu tình. Dang dở cũng như thanh xuân mà ta hồi tưởng chỉ là nhiều mảnh ghép chưa hoàn thành, ta thấy lại hình ảnh bản thân vừa nồng nhiệt vừa bi quan, vừa thích độc cô cầu bại gặm nhấm sự cô đơn lại vừa khát khao tham gia hoà lẫn vào đám đông để gào thét giải toả, chứ cũng chẳng ham muốn thay đổi thế giới đến thế. Những hình ảnh ấy xâu chuỗi lại tạo thành tuổi trẻ của chúng ta, và tuổi trẻ thì không cần câu chuyện, chỉ cần trải nghiệm.

Phim này mình xem 3 lần trong gần 10 năm qua. Nhiều cảnh và thoại thích, nhưng khoái nhất lại là đoạn bố mẹ cặp song sinh trở về, nhìn căn nhà bề bộn chiến trường, và thấy ba tấm thân trẻ trung trần như nhộng ngủ ở lều giữa nhà, người cha sốc, người mẹ choáng, nhưng vẫn đủ để ra hiệu nhau không làm ồn, viết séc cho con và rời đi, không đánh thức, chả nhẽ đánh thức để ăn tối với bọn chúng ư?  Điều đó có thể làm cho mọi người chỉ trích bộ phim, nhưng đây chính là quyền của Những Kẻ Mộng Mơ trong bối cảnh xã hội xáo trộn với sự giải phóng tư tưởng và tự do tình dục mạnh mẽ chưa từng có trước đó. Bộ phim không phán xét nhân vật của mình, để họ hành động như họ muốn, cho họ được bộc lộ chính mình dù bọn trẻ trâu ấy còn chả biết mình là ai.

Cuối cùng vẫn phải khen vẻ truỵ lạc tình tứ của Pháp: rất tự nhiên, không gồng gánh, có lẽ hưởng lời từ tầng lớp quý tộc trưởng giả ăn chơi lâu đời nên cái dân tộc già cỗi ham biểu tình phô trương thanh thế ấy khiêu dâm từ trong máu. Mọi sự truỵ lạc của họ lại trở thành bình thường và hợp lý, không sống sượng.

Và Eva Green vào vai Isabelle khi mới 23 tuổi, bộ phim đầu tiên gia nhập điện ảnh mà nàng xuất sắc chơi hết mình, cân tất, phô diễn từng ml của cơ thể, dù ngoài đời nàng lại là người trầm tính, thích ở nhà, không tự tin về cơ thể, nhưng trong phim ta thấy vẻ bạo dạn từng trải đan xen với sự ngây thơ mong manh khi lần đầu làm chuyện ấy….cứ tự nhiên như thể khiêu dâm chảy trong huyết quản của nàng. Điểm chung của Eva và Isabelle là ngoài đời Eva  có 1 người chị sinh đôi ra trước nàng 7 phút.

Phim bị dán nhãn Khiêu Dâm + Loạn Luân (may mà cảnh loạn luân mới dừng ở đoạn nông). Nhiều hình ảnh trần trụi. Cân nhắc trước khi xem. Phim chưa có ở Netflix, mình xem ở trang phim online thôi.

*Chú thích:

“Tam nhân hành tất hữu… Độc Cô” mượn ý từ “Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên” của Khổng Tử: ý là Trong ba người cùng đi đường, nhất định có người mà mình đáng học tập, là thầy mình.

“Mai 68”: Tháng 05 năm 1968, sinh viên Pháp sôi sục xuống đường chống chính phủ, chống chế độ phụ quyền, cảnh sát và truyền thông … mong muốn một sự thay đổi trong các mối quan hệ xã hội. Sau đó, với các cuộc tổng đình công quy tụ mọi tầng lớp giai cấp, làm biến đổi sâu sắc xã hội Pháp vốn dĩ còn quá nặng nề với những lề lối truyền thống và bảo thủ.

Hình ảnh minh hoạ bài báo nói về cuộc tổng đình công 5/1968 tại Pháp.

Nguồn ảnh: copy từ internet.

#Nhữngkẻmộngmơ
#TheDreamers
#EvaGreen
#Lòluyệnyêutinh
#nude

Leave a Reply