You are currently viewing Hanoi Hannah Trong “Da 5 Bloods- 5 Chiến Hữu”
Phim trình làng ở Netflix vào 12/6 vừa qua. Xuất hiện vào một thời điểm nhạy cảm và không gì hợp hơn: khi phong trào chống phân biệt chủng tộc đang lên ở Mỹ. Thêm vào đó phim khôn khéo khi cho vào 1 yếu tố thực không gì thực hơn là Dragon Lady – Hanoi Hannah (Ngô Thanh Vân đóng). Phim tái hợp luôn người tình một thuở ngực đầy da căng của Vân là Johnny Trí Nguyễn.
Câu chuyện về 5 cựu chiến binh da đen (4+1: 1 này đã mất từ chiến tranh nhưng vẫn luôn hiện hồn) của Mỹ quay về Việt Nam tìm lại hòm vàng đã chôn giấu năm xưa và truy tìm hài cốt đồng đội. Một phim “anh hùng” kiểu mới: toàn bộ là người da đen cầm chịch. Kết cục của việc tìm vàng kiêm hài cốt đồng đội này có giống như phim anh hùng do người da trắng đóng ko? Không kể gì thêm để mọi người tự xem để biết số phận hòm vàng và các anh zai U70 đầy chấn thương tâm lý hậu chiến.

Ở bài viết này tôi chỉ muốn nói về nhân vật có thực là Hanoi Hannah:

Hồi xưa khi báo An ninh thế giới còn cực thịnh, tôi hay mua vào sáng thứ 4 hàng tuần khi báo mới ra lò, có 1 bài viết về Hanoi Hannah (biệt danh mà lính Mỹ đặt cho bà). Bài viết đó nói về góc nhìn của cựu binh Mỹ với Hannah – một phát thanh viên Hà Nội tiếng Anh có giọng đọc ám ảnh, tuyên truyền trên đài tiếng nói Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thuyết phục quân nhân Mỹ rằng chiến trang là trái đạo đức, hãy buông bỏ vũ khí về quê chăn bò, cày ruộng, trồng khoai. Lúc ấy nghĩ khi nào Hollywood dựng phim về nhân vật này thì thú, phía Việt dựng mình tự nghĩ là sẽ không khoái vì…sẽ rất chính kịch, nghiêm túc.
Và bộ phim “Da 5 bloods” có hình ảnh Hanoi Hannah dù ngắn. Ngô Thanh Vân một cô gái Nam Bộ sệt vào vai Hanoi Hannah quả rất thú vị. Giọng tiếng Anh của Vân gần giống với phiên bản của Hannah nhưng tông thấp hơn, mềm mại hơn.
Không biết Hannah thực có hút thuốc không, nhưng phiên bản của Vân thì Hannah hút thuốc sành địu, ra dáng chị Đại Nam Bộ trên cơ, vừa có sự tự tin khi tâm sự với lính Mỹ qua radio, lại có sức mạnh, thách thức và chút ít bất cần của tay chơi.
Tôi khoái nghe giọng của Vân khi nói: Have a good day! Be safe!” tưng tửng như thể tin rằng chẳng thể có good day nào ở nơi chiến trận, và khó mà Be safe khi bom rơi đạn nổ xung quanh.
Dù xuất hiện ở hai phân cảnh ngắn mỗi cảnh chưa tới 2 phút, nhưng Vân đóng thực sự ấn tượng, tuy nhiên lại ra chất chị Đại Sài  Gòn pha Hollywood hơn là chị Cả Hà Nội tư sản nhà nòi. Song, tôi vẫn thấy hợp lý vì Hollywood dựng về Hannah có lẽ đúng với sự tưởng tượng đầy tính hoang tưởng và lãng mạn của lính Mỹ về bà.
Dưới đây là đôi nét về Hannah Hanoi mà tôi thu lượm ở internet:  
Bà tên thật Trịnh Thị Ngọ, bí danh ở nhà đài là Thu Hương. Bà sinh ra trong 1 gia đình giàu có tư sản bậc nhất ở phố Hàng Bồ-Hà Nội. Bà là con của nhà tư sản Trịnh Đính Kính, được mệnh danh là “ông hoàng thủy tinh Đông Dương”. Đại tiểu thơ tốt nghiệp tú tài trường Pháp nhưng lại mê phim Mỹ và văn hoá Mỹ hơn là mẫu quốc thực dân vì “phim Mỹ ngắn gọn nhiều hành động, phim Pháp nói gì mà lắm thế”.
Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ vào năm 2015.
Tiểu thư muốn học tốt tiếng Anh để xem phim Cuốn theo chiều gió không cần Pháp-sub. Và thế là có ngay gia sư là 1 cô giáo người Việt dạy. Với bối cảnh xuất thân như này đáng lẽ không bao giờ bà là 1 ứng cử viên của chủ nghĩa cộng sản.
Bà không phải là thành viên ĐCS nhưng bà là người yêu nước và ủng hộ cách mạng giống đa phần của các gia đình tư sản Hà Nội hồi 1954. Bà bắt đầu làm cho đài tiếng nói Việt Nam từ năm 1955, và đến năm 1965 khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng thì bà bắt đầu có những bài nói nhằm vào lính Mỹ, thuyết phục họ sự vô đạo đức của chiến tranh, buông bỏ vũ khí, trở về quê làm vườn ao chuồng, tham gia hợp tác xã.
Lúc đầu thời lượng phát sóng các bài đọc tiếng Anh của Hannah chỉ là 5 phút mỗi ngày, sau đó tăng lên 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 30 phút. Giọng đọc của bà theo lính Mỹ suốt 8 năm từ 1965 – 1973, là nỗi “ám ảnh” với quân đội Mỹ, máy bay Mỹ còn tìm cách ném bom đài truyền hình Việt Nam. Dù lính Mỹ đoán có những thông tin thổi phồng về con số, nhưng xen kẽ lại có nhiều thông tin là sự thật, bởi Hannah lấy thông tìn từ các báo Mỹ. Ngoài ra đài truyền hình VN đã khôn khéo khi để Hannah phát những bài hát của Mỹ, nội dung phản chiến, kéo binh lính Mỹ lại gần với nỗi nhớ nhà.
Thời đó, Tổng thống Mỹ Kennedy từng phát biểu: “Việt Cộng dùng một giọng nói phụ nữ quyến rũ để lung lay tinh thần quân Mỹ tại Việt Nam”. Bộ Tư lệnh viễn chinh Mỹ từng cấm binh sĩ nghe chương trình của Hanoi Hannah.
Trong những tháng ngày buồn chán, lính Mỹ coi tiết mục này là một kênh giải trí. Bật bia khi đơn vị mình được nhắc đến trong bài nói của Hanoi Hannah. Có người cười nhạo chế giễu cô, có người căm ghét cô, có người coi cô là kẻ thù nổi bật sau mỗi Đại Ka Hồ, có người lại tò mò về người con gái đằng sau giọng đọc ấy liệu có đáng yêu không? Ngay trong phim “Good Morning Việt Nam” gọi cô là “Phù thuỷ độc ác phương Bắc”.
Cũng có những lính Mỹ hoảng sợ khi nghe cô đọc chính xác về thông tin địa điểm đóng quân của lính Mỹ, các con số thương vong liên tục được nhắc tới, khiến họ cảm giác các chiến sỹ Việt cộng có mặt ở khắp nơi.
Phi công hải quân John McCain, sau này là thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ, vốn là tù nhân chiến tranh ở Hà Nội trong hơn năm năm sau khi máy bay của ông bị bắn hạ năm 1967. Trong một chuyến thăm Hà Nội năm 2000, McCain nói rằng ông đã nghe chương trình phát sóng của Hannah trên những chiếc loa treo trên trần nhà:
John Sidney McCain III
– “Tôi nghe thấy cô ấy mỗi ngày, cô ấy là một nghệ sĩ giải trí tuyệt vời. Tôi ngạc nhiên khi cô ấy không đến Hollywood.”
Hết chiến tranh, từ năm 1976 Hanoi Hannah chuyển vào Sài Gòn sống cùng chồng là chuyên gia thiết bị y tế từng ở Pháp, và tiếp tục làm trong Đài Tiếng nói cho tới khi nghỉ hưu. Bà mất năm 2016, thọ 85 tuổi.
8 năm là phát thanh viên thuyết phục lính Mỹ, chắc chắn bà có những đóng góp không hề nhỏ trong việc làm lung lay phần nào tâm lý lính Mỹ – đặc biệt lính da đen (phim “Da 5 Bloods” có phần nói về tỷ lệ tham chiến của lính da đen tại VN  chiếm tới 32%), tuy nhiên hình như lịch sử dường như bỏ quên bà.
Một sự thật thú vị là: Bà có một người con trai duy nhất sang Mỹ từ năm 1973, hiện nay ông sống tại San Francisco, và là một hoạ sỹ.
Hanoi Hannah trong buổi phỏng vấn với nhiếp ảnh gia và nhà báo Don North, năm 1978

Bà từng trả lời phỏng vấn với 1 nhà báo Mỹ hồi thập niên 80 về ước mơ được đến thăm cầu cổng vàng ở Mỹ và trải nghiệm văn hoá Mỹ, khônb biết quãng thời gian trước khi mất bà đã sang Mỹ được lần nào không? Cách nhà báo Mỹ mô tả về bà khi lần đầu tiên gặp sau bao năm mộng tưởng khác hẳn về hình dung của họ về cô: Dragon Lady, Nhà tiên tri, Phù Thuỷ độc ác phương bắc…Hannah quả xứng danh một người từng là tiểu thư tư sản Hà Nội khi xuất hiện ở độ tuổi trung niên trong buổi phỏng vấn:

– Cô đến đúng giờ. Một người phụ nữ nhỏ bé thanh mảnh, hấp dẫn, với vẻ ngoài được chăm chút, dáng vẻ thanh lịch.
Dưới đây là 1 số trích đoạn mà Hananh Hanoi từng đọc trong những năm từ 1967 -1973:
– How are you, GI Joe? It seems to me that I escaped death many times in Hanoi: the planes, the bombs, the house next door to me was bombed out… even a room on my house was blown down. But my family escaped because they were out of town.
Bạn khỏe không, GI Joe? Dường như với tôi, tôi đã thoát chết nhiều lần ở Hà Nội: máy bay, bom, ngôi nhà bên cạnh tôi bị ném bom … thậm chí một căn phòng trên nhà tôi bị thổi bay. Nhưng gia đình tôi đã trốn thoát vì họ đã ra khỏi thị trấn.
– How are you, GI Joe? It seems to me that most of you are poorly informed about the going of the war, to say nothing about a correct explanation of your presence over here. Nothing is more confused than to be ordered into a war to die or to be maimed for life without the faintest idea of what’s going on.
Chào các chàng lính Mỹ vô danh. Tôi thấy có vẻ như hầu hết các anh được cung cấp rất ít thông tin về diễn biến của cuộc chiến, lại càng không được một lời giải thích đúng đắn về sự hiện diện của các anh ở đây. Không có gì mơ hồ bằng việc được lệnh dấn thân vào một cuộc chiến để bị chết hoặc bị thương tật cả đời mà không có lấy một ý niệm mờ nhạt nhất về chuyện gì đang xảy ra.
PS:
Trong phim “5 chiến hữu” có sự xuất hiện của Johnny Trí Nguyễn: ai từng mê ảnh có lẽ sẽ đôi chút thất vọng về ảnh trong bộ phim này.
Cặp đôi đẹp nhất màn ảnh Việt năm 2007-2009
Sau khi theo Thiền nhiều năm, hiện tại Johnny không còn chú trọng nhiều tới hình ảnh bề ngoài. Tôi đã xem một số clip về Tỉnh thức, Giác ngộ của anh ở youtube. Dù theo ảnh kể là đã 8 năm kể từ ngày tỉnh thức, nhưng thú thật nhìn anh qua clip tôi cảm thấy anh chưa tới cảnh giới bình an thực sự. Ánh mắt của anh chưa có nét tĩnh tại, bình lặng. Ánh mắt đó vẫn quá động và lảng tránh trần ai.
Cặp đôi tái xuất trong bộ phim “Da 5 Bloods” – 5 Chiến Hữu.
Bù lại tôi thích hình ảnh của Nhung Kate người yêu anh hơn: Cô tỉnh thức ở độ tuổi rất trẻ, nhưng ở cô đã toả ra năng lượng tự do và ánh mắt trong sáng điềm nhiên hơn.
Nguồn ảnh: internet và chụp màn hình.

—–The End—– 

Leave a Reply